Cộng đồng
Quảng Bình: Lễ hội mừng cơm mới của người Bru Vân Kiều là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
09:56, 07 Tháng Ba 2023
(DSX)- Ngày 6/3, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã ký ban hành Quyết định số 471/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận Lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thuỷ (Lệ Thủy) là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Lễ hội mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Bru – Vân Kiều. Nguồn: Sở VHTT Quảng Bình Đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều sống dọc theo dãy Trường Sơn hùng vĩ. Trải qua quá trình phát triển lâu dài, người Bru – Vân Kiều đã sáng tạo ra nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc, độc đáo, trong đó nổi bật nhất là lễ hội mừng cơm mới, được tổ chức vào khoảng tháng 10, tháng 11 âm lịch hàng năm, sau mùa thu hoạch lúa rẫy. Lễ hội là dịp để bà con tạ ơn trời đất, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, lúa ngô đầy kho, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều là Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, đặc sắc được đồng bào gìn giữ và duy trì trong cộng đồng từ xưa đến nay. Lễ hội vừa chứa đựng giá trị lịch sử - văn hóa tộc người, vừa góp phần thu hút nhiều nhà nghiên cứu, khách du lịch đến trải nghiệm đời sống văn hóa cộng đồng tại địa phương. Lễ hội hiện còn lưu giữ những nghi lễ liên quan tới vòng đời cây lúa, là nghi thức tâm linh để tạ ơn trời đất, thần linh đã ban cho đồng bào mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Tại Lễ hội, đồng bào tham gia thực hành các nghi lễ, nghi thức, các hoạt động diễn xướng, trò chơi dân gian và thực hành, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Hiện nay, tỉnh Quảng Bình cũng đang đẩy mạnh hoạt động trưng bày, trình diễn lễ hội mừng cơm mới tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình. Hoạt động này tổ chức nhằm tạo cơ hội cho những người làm công tác bảo tồn di sản văn hóa học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Bên cạnh đó, góp phần phục vụ cộng đồng gắn với phát triển du lịch.
Được biết, Lễ hội mừng cơm mới của người Bru Vân Kiều ở xã Ngân Thủy là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ 3 của đồng bào dân tộc thiểu số tại Quảng Bình.
Theo Quyết định trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa./.
T.T (t/h)
Tin liên quan
- Đồng Nai báo cáo công tác di sản văn hóa tháng 2/2023 16:53, 06/03/2023
- Cao Bằng: Huy động mọi nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể 10:31, 06/03/2023
- Liên hoan Hát văn, hát Chầu văn tỉnh Vĩnh Phúc mở rộng năm 2023 16:45, 05/03/2023
- Ninh Bình: Thúc đẩy du lịch sinh thái gắn với cứu hộ, bảo tồn tại Vườn quốc gia Cúc Phương 10:38, 05/03/2023
- Lễ hội Dinh Cô (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 16:13, 03/03/2023
- Ngôi nhà cũ của bà Từ Cung sẽ trở thành nơi giáo dục di sản 09:02, 03/03/2023
- Thanh Hóa: Tăng cường chỉ đạo công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tại di tích 16:18, 02/03/2023