(DSX)- Trong những năm qua việc tổ chức và quản lý hoạt động Lễ hội trên địa bàn thành phố Hải Phòng được quan tâm chú trọng.
Một số quận, huyện đã lựa chọn một số lễ hội dân gian tiêu biểu gắn với các di tích lịch sử, tín ngưỡng, danh thắng trên địa bàn để tổ chức Khai mạc như: Lễ hội truyền thống nữ tướng Lê Chân, lễ hội truyền thống núi Voi, lễ hộ khai bút tại một số di tích cấp quốc gia... Tất cả các quận, huyện đều xây dựng Kế hoạch tổ chức, thành lập Ban tổ chức Lễ hội để chỉ đạo tổ chức các hoạt động lễ hội trên địa bàn quản lý. Tổng số đã có 07 lễ hội tiêu biểu được các quận, huyện tổ chức Lễ khai mạc. Đồng thời, chỉ đạo mỗi quận, huyện lựa chọn tổ chức từ 01 đến 02 lễ hội tiêu biểu để làm điểm nhấn tuyên truyền, quảng bá cho thế mạnh, tiềm năng di sản văn hoá, du lịch của địa phương nhân dịp đầu xuân. Thông qua đó, các lễ hội truyền thống được bảo tồn, phát huy trong cộng đồng nhân dân, phục vụ có hiệu quả việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ phát triển và hội nhập.
Theo báo cáo các quận, huyện, năm 2023 trên địa bàn thành phố Hải Phòng diễn ra 349 lễ hội (trong đó có 09 lễ hội cấp huyện, 340 lễ hội cấp xã tổ chức). Hoạt động lễ hội năm 2023 bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc, thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của địa phương; chấp hành nghiêm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính; hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch, xóc thẻ, xin quẻ; di dời “hiện vật lạ” không phù hợp với thuần phong mỹ tục ra khỏi khuôn viên di tích; không đốt đồ mã; quản lý việc 4 đặt hòm công đức theo quy định, phân công lực lượng thu gom tránh để xảy ra tình trạng rải (đặt, cài) tiền lẻ, tiền công đức không đúng nơi quy định.
Nhìn chung công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo sát sao tới tận cơ sở, các lễ hội được tổ chức triển khai thực hiện theo các quy định hiện hành của nhà nước. Việc phân cấp tổ chức lễ hội theo quy mô từng cấp, từng cơ sở gắn liền với nhiều hoạt động văn hóa – thể thao truyền thống kết hợp với yếu tố hiện đại đã tạo điều kiện cho nhân dân, các tổ chức chính quyền và đoàn thể ở cơ sở được trực tiếp tham gia tổ chức và thực hiện, qua đó đã phát huy tính sáng tạo, kế thừa truyền thống văn hóa, tập tục tốt đẹp của từng dân tộc, từng địa phương. Các ngành và chức năng liên quan chủ yếu chỉ hỗ trợ về chuyên môn và thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Tuy nhiên, hoạt động quản lý và phát huy giá trị tại các di tích hiệu quả chưa cao, chưa gắn với phát triển du lịch.
Để công tác quản lý, tổ chức lễ hội hiệu quả hơn, Sở VHTT Hải Phòng đã đưa ra một số đề xuất kiến nghị. Một là, Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác quản lý và tổ chức lễ hội gắn với phát triển du lịch. Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật 6 chất, trang thiết bị phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Tăng cường quản lý lễ hội truyền thống bằng cách xây dựng hoàn chỉnh quy chế, hướng dẫn… công tác quản lý, tổ chức lễ hội nhất là tại các địa phương. Hai là, Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát lễ hội, gắn với quản lý các di tích tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành trong việc triển khai thực hiện công tác quản lý di sản và lễ hội truyền thống. Ba là, Thực hiện nghiên cứu, thống kê và phân loại lễ hội trên từng địa bàn để có biện pháp quản lý phù hợp. Nâng cao hơn nữa vai trò quản lý của người dân đồng thời tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, Nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống. Tuyên truyền vận động nhân dân hạn chế đốt đồ mã, vàng mã, bảo đảm an toàn, tiết kiệm không phô trương, hình thức, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc. Bốn là, Tăng cường huy động các tầng lớp nhân dân các tổ chức kinh tế xã hội, các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia tích cực và tự giác vào các hoạt động của lễ hội, đẩy mạnh xã hội hóa trong các hoạt động phục vụ lễ hội. Năm là, Rà soát, thống kê, phân loại lễ hội như lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề và lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài. Tiếp tục thực hiện tốt Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tiếp tục triển khai xây dựng và hoàn thiện hương ước, quy ước thôn, làng, tổ dân phố và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định trong hương ước, quy ước.
Thủy Bích