Tầm nhìn
Ninh Bình: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Mo Mường trong đời sống hiện nay
09:17, 05 Tháng Mười Một 2022
(DSX)- Để Mo Mường và giá trị di sản văn hóa mo Mường được bảo tồn và phát huy trong cộng đồng người Mường ở Ninh Bình cần phải có sự tham gia đồng bộ, tích cực từ các bên liên quan: chính quyền địa phương, các nhà quản lý văn hóa, cộng đồng sở hữu di sản, các nhà nghiên cứu, các tổ chức cá nhân liên quan...
Thầy Mo thực hiện nghi thức trong lễ cúng Theo Báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình về kết quả kiểm kê Di sản văn hóa Mo Mường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2022 cho thấy, Mo Mường không chỉ là một nghi lễ quan trọng trong đời sống tâm linh người Mường mà nó còn là một sáng tạo vĩ đại, trong đó hàm chứa gần như toàn bộ những giá trị hợp thành văn hóa Mường (lịch sử, văn học, xã hội, nghệ thuật, tín ngưỡng, sinh hoạt ...). Do đó Mo Mường đã thu hút được sự quan tâm và nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước trong gần 100 năm qua. Mo Mường là di sản văn hóa tinh thần vô cùng quý giá của người Mường. Nó góp phần tái hiện lại lịch sử trời đất từ thủa hồng hoang đến khi xuất hiện loại người và quá trình đấu tranh với các thế lực để xây dựng và bảo vệ xóm mường. Đồng thời mo cũng là những bài học của cuộc sống, là những lời dặn dò con cháu phải hăng say lao động, biết trân quý nhau, sống trong sạch và làm con người tốt. Đồng thời, Mo Mường còn là một chỉnh thể nguyên hợp về văn hóa Mường (tôn giáo tín ngưỡng, diễn xướng dân gian, văn học dân gian, giá trị đạo đức, ứng xử của con người trong xã hội, tri thức về con người, lao động, sản xuất, bảo vệ thiên nhiên...)
Trong thời gian qua, Mo Mường và những di sản văn hóa của mo Mường đã được khẳng định trong đời sống tâm linh của người Mường nói riêng và trong tổng thể hài hòa văn hóa Việt Nam nói chung, nhưng hiện nay nó đang biến đổi mạnh mẽ bởi cả tác nhân bên trong và bên ngoài, làm cho loại hình di sản văn hóa đồ sộ của cộng đồng Mường có nguy cơ biến mất. Trong khi đó, việc nghiên cứu, bảo tồn mo Mường ở Ninh Bình vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chưa xứng tầm với giá trị mà nó mang lại, mới khơi gợi mà chưa có những chương trình, kế hoạch hoặc chính sách cụ thể nào cho hoạt động bảo tồn Mo Mường trên địa bàn.
Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo lựa chọn Mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể cần xây dựng hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vào năm 2023. Hiện nay, 7 tỉnh nơi có đông đồng bào Mường sinh sống cùng cam kết tham gia vào việc xây dựng hồ sơ di sản mo Mường, gồm: Hòa Bình, Ninh Bình, Sơn La, Phú Thọ, Hà Nội, Thanh Hóa và Đắc Lắc.
Dựa trên sự chỉ đạo đó, từ đầu năm 2022, tỉnh Ninh Bình đã kết hợp với Viện Âm Nhạc, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) tổ chức nghiên cứu, sưu tầm và tư liệu hóa di sản thì diện mạo Mo Mường ở Ninh Bình mới bước đầu hiện diện. Vì vậy, để bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị di sản văn hóa Mo Mường ở Ninh Bình rất cần sự chỉ đạo, hỗ trợ của chính quyền và các ban ngành chức năng, cùng với sự tham góp của nhân dân để cho loại hình di sản đặc biệt này sống và tỏa sáng trong đời sống cộng đồng người Mường nơi đây.
 |
Người Mường thường sử dụng Mo để thực hành nghi lễ. Nguồn: langvietonline.vn
|
Từ thực tiễn khảo sát, ngành văn hóa tỉnh đưa ra một số giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản Mo Mường trong đời sống cộng đồng người Mường ở Ninh Bình hiện nay như: Cần làm ngay việc nghiên cứu, điều tra, thống kê và đánh giá thực trạng di sản mo Mường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang ở cấp độ nào khi mà nguy cơ mai một, mất đi của loại hình di sản này ngày càng hiện diện. Bên cạnh đó, tăng cường tuyền truyền cho cộng đồng – chủ nhân sáng tạo những cũng là người đang hưởng lợi từ di sản mo Mường hiểu về vai trò và ý nghĩa của mo Mường trong đời sống cộng đồng cũng như vai trò chủ thể của họ trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản mo Mường trong đời sống đương đại. Động viên những Thầy Mo uy tín trong thôn bản tiếp tục lưu giữ và truyền dạy diễn xướng mo cho các thế hệ sau; khuyến khích lớp trẻ tìm hiểu và tham gia học làm mo (nhất là những người thuộc dòng nổ) để đáp ứng nhu cầu làm mo trong cộng 32 đồng cũng như sự kế thừa Mo không bị đứt đoạn. Đồng thời giáo dục cho người dân trong vùng (cả người Mường và người Kinh) có cái nhìn đúng đắn về mo Mường, tích cực tham gia vào công tác bảo tồn và quảng bá di sản. Chỉ khi có sự tham gia bảo vệ của cộng đồng thì di sản đó mới sống đúng nghĩa.
Ngoài ra, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách động viên kịp thời các Thầy Mo uy tín trong cộng đồng nhằm phát huy vai trò chủ thể di sản trong hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị mo Mường và truyền dạy nghề mo. Đề nghị phong tặng nghệ nhân ưu tú, hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho một số Thầy mo lớn, có hiểu biết sâu sắc, có uy tín và được cộng đồng thừa nhận trên lĩnh vực mo. Đó vừa là động viên cá nhân đối với thầy Mo, giúp các thầy có thêm động lực, tâm huyết gìn giữ vốn cổ của dân tộc và truyền lại đời sau. Hơn thế nữa, đây chính là sự công nhận, tôn vinh của Nhà nước đối với cả cộng đồng người Mường về một loại hình di sản của họ, làm cho đồng bào nơi đây càng tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc, tự nguyện gìn giữ, phát huy, làm cho di sản sống và phát triển mạnh mẽ.
Cùng với đó, thực hiện tư liệu hóa di sản mo Mường. Hiện nay, di sản mo Mường ở Ninh Bình đang biến đổi với nguy cơ mai một nhanh chóng. Do vậy việc tư liệu hóa di sản mo Mường hiện nay là một giải pháp cấp thiết trước mắt để lưu giữ những những tư liệu về di sản mo Mường dưới dạng tĩnh. Đó là việc dựng phóng sự, làm phim khoa học, hồ sơ ảnh, ghi âm, phiếu thu thập thông tin... Đồng thời đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, sưu tầm và xuất bản những công trình về mo Mường Ninh Bình để giá trị di sản mo Mường Ninh Bình vươn xa hơn nữa…
Mo Mường không chỉ là một nghi lễ quan trọng trong đời sống tâm linh của người Mường mà nó còn là một sáng tạo vĩ đại của con người, trong đó hàm chứa gần như toàn bộ những giá trị hợp thành văn hóa Mường truyền thống (lịch sử, văn học, xã hội, nghệ thuật, tín ngưỡng, sinh hoạt...). Tuy nhiên, theo thời gian, việc thực hành và giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của Mo Mường ở Ninh Bình đang dần bị thu hẹp và nguy cơ mai một luôn hiện hữu trên mọi phương diện, từ không gian thực hành diễn xướng, đội ngũ người làm Mo, nội dung Mo, việc truyền dạy Mo... Vì vậy, cần phải có những nghiên cứu kịp thời nhằm đề xuất những kiến nghị, giải pháp phù hợp, chú trọng tăng cường sự tham gia sâu rộng của cộng đồng trong hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa Mo Mường ở Ninh Bình hiện nay./.
T.T
Tin liên quan
- Đồng Nai báo cáo công tác bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị bảo vật quốc gia năm 2022 15:59, 04/11/2022
- Hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” về nước sớm nhất 14:02, 03/11/2022
- Thừa Thiên Huế: Ký kết hợp tác bảo tồn, phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế 15:51, 02/11/2022
- Phú Thọ: Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, du lịch bền vững ở địa phương 10:40, 02/11/2022
- TP Hồ Chí Minh tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa 16:31, 01/11/2022
- Sơn La: Chú trọng triển khai các chương trình bảo tồn di sản văn hóa 11:11, 01/11/2022
- Tuyên Quang: Triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” 10:34, 01/11/2022