Tầm nhìn

Phú Thọ: Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, du lịch bền vững ở địa phương

10:40, 02 Tháng Mười Một 2022

(DSX)- Thời gian qua, hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể quan tâm và được các tầng lớp nhân dân ủng hộ; huy động được tổng hợp các nguồn lực.

Du khách quốc tế tham gia trải nghiệm Hát Xoan tại Đình Hùng Lô, thành phố Việt Trì. Nguồn: Báo Phú Thọ

Nhiều di tích tiêu biểu là không gian văn hóa để bảo tồn, phát huy giá trị di sản phi vật thể được đầu tư quy hoạch, tu bổ đã và đang trở thành những sản phẩm du lịch - văn hóa, tạo việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân địa phương nơi có di tích và lễ hội: Khu di tích lịch sử Đền Hùng, đền Mẫu Âu Cơ, đền Lăng Sương, đình Hùng Lô, miếu Lãi Lèn...

Các di chỉ khảo cổ học phân bố trên địa bàn tỉnh, tiêu biểu là các di tích khảo cổ quốc gia: Làng Cả, Xóm Rền, Phùng Nguyên, Gò Mun, Sơn Vi… được tỉnh Phú Thọ quan tâm lập quy hoạch bảo tồn, hàng năm tổ chức các đợt khai quật tìm kiếm các cổ vật phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày bảo tàng. Các di tích khảo cổ được bảo vệ và phát huy giá trị với những giải pháp phù hợp trong mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế xã hội.

Hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ở Phú Thọ được UNESCO ghi danh, đã được tỉnh Phú Thọ nỗ lực bảo tồn và phát huy hiệu quả với các biện pháp bảo vệ, phục hồi giá trị di sản Hát Xoan được thực hiện một cách bài bản, khoa học theo đúng quy định.

Công tác nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa, bảo tồn, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện trong nhiều năm qua với sự tham gia của các cơ quan nghiên cứu và các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian.

Phú Thọ có nhiều chương trình, dự án bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã và đang được thực hiện. Đặc biệt là các đề tài, dự án liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ với tính thực tiễn cao như: “Xây dựng hồ sơ khoa học về Đền Hùng và các di tích thời đại Hùng Vương phụ cận”, “Hát Xoan Phú Thọ”, “Nghiên cứu sưu tầm, hệ thống nghi lễ, tục thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ",…


Ảnh minh họa/Nguồn: CTTĐT Phú Thọ

Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, triển khai các đề tài, dự án khoa học, đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; xuất bản các ấn phẩm về văn hóa dân tộc thiểu số: “Người Mường trên đất Tổ Hùng Vương”; “Tổng tập văn nghệ dân gian đất Tổ”… Lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Nghi lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt, xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập; Lễ cấp sắc của người Dao Tiền xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn; Lễ Tết nhảy của người Dao Quần Chẹt, huyện Yên Lập.

Ngoài ra, công tác quản lý về di sản văn hóa, hỗ trợ cho hoạt động truyền dạy, sáng tạo, trình diễn, trưng bày, giới thiệu về di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh cũng tiếp tục được quan tâm thực hiện.

Trong thời gian tới, trong lĩnh vực di sản, tỉnh sẽ phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, du lịch bền vững ở các địa phương. Chú trọng triển khai các chương trình bảo tồn, phục dựng lễ hội dân gian truyền thống; các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, di sản đại diện của nhân loại. Chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ trọng tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Hát Xoan Phú Thọ; xây dựng 02 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 03 hồ sơ di tích lịch sử văn hóa; xây dựng phim dữ liệu khoa học có sử dụng kỹ xảo và đồ họa 3D về thời đại Hùng Vương. Phối hợp với tỉnh Hoà Bình xây dựng hồ sơ di sản văn hóa Mo Mường đệ trình UNESCO. Nâng cao hiệu lực và tăng cường sự quản lý của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Phú Thọ. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tăng cường vai trò quản lý Nhà nước, phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị, thành trong công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống vùng đất Tổ; di sản văn hoá các dân tộc thiểu số trên địa bàn, đặc biệt chú trọng di sản Hát Xoan Phú Thọ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

D.H

Tin liên quan