Cộng đồng

Phân cấp, kiểm kê di tích trong công tác quản lý và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Hưng Yên

15:59, 06 Tháng Mười 2022

(DSX)- Để phân cấp quản lý hệ thống di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 39 Quy định quản lý di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

Lễ hội Đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Tống Trân - Ảnh: http://huyenuyphucu.vn/
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên còn bảo lưu được 1.802 di tích các loại, trong đó có 445 di tích đã được xếp hạng (gồm: 03 di tích - cụm di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt; 175 di tích - cụm di tích xếp hạng quốc gia; 267 di tích - cụm di tích xếp hạng cấp tỉnh) và 06 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia, cùng hàng nghìn tài liệu, hiện vật, cổ vật có giá trị. Trong kho tàng văn hóa phi vật thể Hưng Yên hiện có hơn 500 lễ hội truyền thống, nhiều lễ hội có quy mô lớn, đặc sắc và đã có 02 Lễ hội truyền thống được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia: Lễ hội đền Tống Trân (xã Tống Trân, Phù Cừ), Lễ hội Cầu mưa (xã Lạc Hồng, Văn Lâm). Đây là những di sản quý báu, là cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc và là niềm tự hào của mỗi người con Hưng Yên.
Để phân cấp quản lý hệ thống di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 39 Quy định quản lý di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, nhằm phân cấp cho các cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý và chịu trách nhiệm bảo vệ, phát huy và khai thác di sản văn hóa trên địa bàn, tạo thành hệ thống quản lý các di sản văn hóa từ tỉnh xuống địa phương.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với vai trò là Chủ đầu tư đối với các di tích xếp hạng cấp quốc gia đã lựa chọn các công ty, đơn vị thiết kế có đủ điều kiện, năng lực hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích để lập hồ sơ tu bổ, tôn tạo di tích đảm bảo theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa, Luật đầu tư công và các quy định có liên quan. Thường xuyên giám sát, kiểm tra việc thực hiện tu bổ, chống xuống cấp tại các di tích. Do đó, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật và nguyên tắc bảo tồn tôn tạo. Sau khi các di tích hoàn thành việc tu bổ, chống xuống cấp, Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch phối hợp với các cấp, các ngành, chính quyền và nhân dân địa phương tiến hành tổ chức đánh giá, nghiệm thu và đưa vào sử dụng các hạng mục công trình đã tu sửa. Quá trình tu bổ, chống xuống cấp di tích theo Đề án được thực hiện trên cơ sở ưu tiên tu sửa những hạng mục chính đã xuống cấp nặng nhằm bảo tồn tối đa yếu tố nguyên gốc cấu thành di tích. Các công trình, hạng mục di tích sau khi được đầu tư tu bổ, chống xuống cấp đều đã phát huy giá trị hiệu quả trong đời sống văn hóa cộng đồng (giá trị vật thể và phi vật thể).
Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ điều kiện, giá trị của các di sản văn hóa và các quy định của pháp luật để xây dựng phương án quản lý, bảo vệ và khai thác, phát huy hiệu quả giá trị của các di sản văn hóa; đồng thời phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước cấp trên lựa chọn và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét: đầu tư tu bổ, chống xuống cấp di tích, công nhận bảo vật quốc gia và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia...
Việc phân quyền cho Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn làm Chủ đầu tư đối với các di tích xếp hạng cấp tỉnh thuộc Đề án đã tạo thuận lợi để chính quyền cơ sở và nhân dân phát huy tính dân chủ, công khai. Các địa phương có công trình, dự án tu bổ, di tích đều thành lập Ban giám sát cộng đồng phối hợp cùng các cấp, các ngành thực hiện tu bổ, chống xuống cấp di tích. Thường xuyên quan tâm kiện toàn, củng cố và phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Quản lý di tích cơ sở; hằng năm ban hành kế hoạch và các văn bản triển khai các phương án bảo vệ tại các di tích, bố trí người có trách nhiệm trông coi tại di tích; phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành giám sát, kiểm tra theo thẩm quyền
Giai đoạn 2017 - 2022, công tác kiểm kê di tích-lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện theo đúng Luật Di sản văn hóa và các văn bản hiện hành của Nhà nước có liên quan. Năm 2017, Sở giao Ban Quản lý di tích tỉnh thực hiện việc 3 kiểm kê, đánh giá, phân loại các di tích trên địa bàn 10 huyện, thành phố. Tổng hợp, báo cáo trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt kết quả kiểm kê tại Quyết định số 952/QĐ-UBND công bố Danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh Hưng Yên với tổng số 1.802 di tích
Trên cơ sở Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và điều kiện thực tế của tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh ban hành: Kế hoạch số 222/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên về việc kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Hưng Yên. Sở đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo Bảo tàng tỉnh tập trung kiểm kê những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu trên địa bàn toàn tỉnh. Kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể được tiến hành tại 858/858 thôn, khu dân cư thuộc 161 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Tổng số phiếu kiểm kê được lập: 1586 phiếu.
Thủy Bích

Tin liên quan