Cộng đồng

Ninh Bình: Thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa trong công tác bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị bảo vật quốc gia

16:40, 17 Tháng Chín 2022

(DSX)- Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị bảo vật quốc gia trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Long sàng trước Nghi môn ngoại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng. Nguồn: trangandanhthang.vn

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 05 bảo vật quốc gia, gồm: Cột Kinh Phật chùa Nhất Trụ (công nhận năm 2015), đặt trong khuôn viên chùa Nhất Trụ, chất liệu đá, niên đại thế kỷ X; Long sàng trước Bái đường đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng (công nhận năm 2017), chất liệu đá, niên đại thế kỷ XVII; Long sàng trước Nghi môn ngoại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng (công nhận năm 2017), chất liệu đá, niên đại thế kỷ XVII; Bộ Phủ Việt đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng (công nhận năm 2019), chất liệu gỗ tự nhiên, niên đại thế kỷ XVII; Bộ Phủ Việt đền thờ vua Lê Đại Hành (công nhận năm 2019), chất liệu gỗ tự nhiên, niên đại thế kỷ XVII.

05 bảo vật trên hiện đều được lưu giữ tại các di tích thuộc Khu di tích Lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư, do Trung tâm bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư quản lý, bảo vệ.

Trong những năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh Ninh Bình trong công tác bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của di tích, di vật, cổ vật trên địa bàn tỉnh. Chấp hành nghiêm Luật Di sản văn hóa, triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo, kịp thời phát hiện và ngăn ngừa các hành vi, tác nhân làm xâm hại đến di tích, bảo vật quốc gia và cảnh quan.

Căn cứ vào đặc điểm chất liệu, chức năng, hiện trạng của các bảo vật quốc gia, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình đã tham vấn ý kiến các cấp có thẩm quyền, các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia, nhà khoa học, chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn DTLSVH Cố đô Hoa Lư thực hiện các biện pháp bảo vệ, bảo quản bảo vật quốc gia.

Công tác phát huy giá trị bảo vật quốc gia cũng được tăng cường. Cụ thể như: Quảng bá, giới thiệu giá trị di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư nói chung và bảo vật quốc gia nói riêng trên các phương tiện thông tin, truyền thanh, mạng internet, báo đài trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là trên các trang thông tin điện tử của ngành Văn hoá, Thể thao, cổng thông tin điện tử của tỉnh Ninh Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình, Báo Ninh Bình. Giao nhiệm vụ cho Trung tâm Bảo tồn DTLSVH Cố đô Hoa Lư tăng cường bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên và người lao động của đơn vị để có thái độ ứng xử khoa học, trân trọng đối với bảo vật; bổ sung nội dung các bài thuyết minh về bảo vật quốc gia; tuyên truyền về giá trị của bảo vật quốc gia thông qua đội ngũ thuyết minh viên giúp du khách và nhân dân hiểu thêm về giá trị đặc biệt của bảo vật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân và du khách trong bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị. Mời các chuyên gia, nhà khoa học tham gia tập huấn, trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị bảo vật. Gắn biển giới thiệu là bảo vật quốc gia bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, tạo thuận lợi cho du khách khi tìm hiểu, nghiên cứu, tham quan.

Trong thời gian tới, ngành VHTTDL Ninh Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa và các văn bản chỉ đạo liên quan trong công tác bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị bảo vật quốc gia. Đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia, nhà khoa học từng bước áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào việc bảo vệ, bảo quản bảo vật quốc gia. Nghiên cứu, xây dựng nhà trưng bày, bảo quản các hiện vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, đặc biệt nghiên cứu các biện pháp bảo tồn lâu dài, bền vững đối với các hiện vật ngoài trời, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư.

Bên cạnh đó tăng cường công tác quảng bá giá trị của bảo vật quốc gia, nâng cao chất lượng công tác thuyết minh. Hàng năm xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, công tác bảo quản, phát huy giá trị hiện vật, bảo vật quốc gia...

Nhìn chung, việc bảo tồn, phát huy giá trị bảo vật quốc gia tại Ninh Bình nhận được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự vào cuộc của các ngành, các cấp và đông đảo nhân dân cùng với sự chủ động của Sở Văn hóa và Thể thao. Nhờ vậy, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm trong bảo vệ, bảo quản Bảo vật quốc gia nói riêng, di sản văn hóa nói chung đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Việc bảo vệ di sản nói chung, bảo vật quốc gia nói riêng nhận được sự quan tâm, đồng thuận của đông đảo nhân dân và các cấp chính quyền địa phương./.

T.T

Tin liên quan