Cộng đồng
Tôn tạo danh lam thắng cảnh Gành Đá Đĩa
10:19, 15 Tháng Chín 2022
(DSX)- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản số 3297/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Phú Yên về việc thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật tôn tạo danh lam thắng cảnh Gành Đá Đĩa, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Gành Đá Đĩa. Nguồn: VnExpress Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thỏa thuận nội dung tôn tạo danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa (hạng mục: Tiểu cảnh công viên), xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cụ thể: xây dựng tiểu cảnh công viên diện tích 2800m2 gồm cụm tiểu cảnh, trồng cây xanh, cỏ, lối đi dạo bộ lát đá tự nhiên, hạ tầng kỹ thuật điện, nước phục vụ việc tưới cây, cỏ.
Tuy nhiên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu ý: Theo bản vẽ mặt bằng hiện trạng, địa hình có độ chênh cao khoảng 4m, cần tính toán phương án để hạn chế tối đa san gạt địa hình, làm thay đổi cảnh quan khu vực.
Đồng thời điều chỉnh thiết kế biểu tượng tiểu cảnh mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng, thể hiện rõ nét ý tưởng, chủ đề về bảo tồn, gìn giữ và phát triển vùng đất Phú Yên (thông qua biểu tượng bàn tay nâng).
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày bàn giao, đưa công trình vào sử dụng, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên chỉ đạo cơ quan chuyên môn gửi Nhật ký công trình và Hồ sơ hoàn công đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Cục Di sản văn hóa) để lưu giữ theo quy định tại Điều 18 Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
Gành Đá Đĩa là một danh thắng thiên nhiên kỳ thú về cảnh quan và độc đáo về địa chất ở Việt Nam. Nơi đây là một tập hợp các trụ đá hình lăng trụ xếp liền nhau, hòn nọ nối hòn kia kề với sóng nước. Bãi đá trải rộng san sát nhau chung màu đen huyền bí. Có trụ thẳng đứng, có trụ nghiêng vẹo nhưng vẫn chồng chất tầng tầng trông như chồng bát dĩa nên có tên gọi là Gành Đá Đĩa. Nhìn từ xa, Gành đá trông giống một tổ ong thiên tạo khổng lồ vô cùng kỳ vĩ.
Các cột đá badan của Gành Đá Đĩa được các nhà nghiên cứu cho là hình thành cách đây hàng triệu năm, khi các dòng nham thạch nóng chảy phun ra từ các núi lửa ở cao nguyên Vân Hoà (cách 30km) gặp nước biển lạnh nên đông cứng và nứt vỡ mà thành.
Bên cạnh giá trị về mặt địa chất, danh thắng Gành Đá Đĩa còn có giá trị về đa dạng sinh học, lịch sử, văn hóa đặc trưng của cư dân vùng ven biển. Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Gành Đá Đĩa năm 2020. Hiện danh thắng quốc gia này đang là điểm đến hấp dẫn thu hút du khách trong hành trình khám phá các di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh ở dải đất miền Trung./.
T.T
Tin liên quan