Cộng đồng

Thái Bình: Gìn giữ, khai thác và phát huy giá trị các di sản văn hóa quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt

15:50, 15 Tháng Chín 2022

(DSX)- Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu của tỉnh về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số; đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa, tỉnh Thái Bình đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Văn hóa
Mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2022-2025, phấn đấu 100% di tích quốc gia đặc biệt, 90% di tích quốc gia và 70% di tích cấp tỉnh được tu bổ, tôn tạo; 100% di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê. Các di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, di sản tư liệu, bảo vật quốc gia và các di sản trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh được số hóa và ứng dụng trên nền tảng số. Đến năm 2023 lập hồ sơ nghệ thuật Chèo đồng bằng sông Hồng đệ trình UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; xây dựng hồ sơ khoa học các di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu hoặc các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, cần được bảo vệ khẩn cấp đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Định hướng đến năm 2030, 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu tiêu biểu của tỉnh được UNESCO ghi danh, các di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, các bảo vật quốc gia, các di sản trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh được số hóa và ứng dụng trên nền tảng số. Nghiên cứu, hình thành một số vùng không gian văn hóa – di sản tiêu biểu có mật độ di tích dày, lưu giữ được nhiều giá trị truyền thống đặc trưng để tiến tới xây dựng thương hiệu không gian văn hóa vùng đất, con người Thái Bình nhằm phát huy cao nhất những giá trị văn hóa tiêu biểu của tỉnh.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, một số nhiệm vụ và giải pháp được đưa ra trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa gồm: Xây dựng, triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến năm 2030”; Tập trung đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử - văn hóa có giá trị tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch.

Bên cạnh đó đẩy mạnh sưu tầm, khảo cổ, nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn và phát huy các loại hình di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, nhất là nghệ thuật Chèo, múa rối nước, ca trù, hát xẩm, các trò chơi, trò diễn dân gian… và các di sản có nguy cơ mai một; gìn giữ, khai thác, phát huy giá trị các di sản văn hóa quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt; bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa phục vụ công tác quản lý, bảo tồn, quảng bá, tra cứu các giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh.

Ngoài ra, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục di sản văn hóa trong và ngoài nhà trường bằng việc đa dạng hóa mô hình, phương thức, quy mô; tăng cường xã hội hóa hoạt động giáo dục di sản; Thực hiện chính sách đãi ngộ, tôn vinh nghệ nhân, tạo điều kiện cho nghệ nhân tham gia truyền dạy, quảng bá di sản trong cộng đồng ở trong nước và nước ngoài.

Cùng với đó, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa. Cụ thể, xây dựng, triển khai thực hiện Đề án “Số hóa di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Bình”.

Tập trung nguốn lực đầu tư quy hoạch, xây dựng, tu bổ, tôn tạo một số di tích trọng điểm như: Chùa Keo, Khu Lăng mộ và Đền thờ các vị vua triều Trần, đình, đền, bến Tượng A Sào, đền Tiên La đền Đồng Bằng, khu lưu niệm Bác Hồ… Đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động bảo tồn di tích, phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển du lịch văn hóa.

Thái Bình là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi đây hội tụ và lan tỏa các sắc thái văn hóa, văn minh của vùng châu thổ đồng bằng Bắc bộ. Trong đó có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc. Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ di tích nói chung, các di tích được Nhà nước xếp hạng, di tích trong danh mục kiểm kê nói riêng ở tỉnh Thái Bình luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành VHTTDL Thái Bình quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh; phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Qua đó, ngày càng làm phong phú thêm giá trị các di sản, nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Thái Bình./.

T.T

 

Tin liên quan