Cộng đồng

Điện Biên: Tăng cường hình thức giáo dục di sản trong và ngoài trường học

09:36, 13 Tháng Chín 2022

(DSX)- Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh đã và đang được tỉnh quan tâm chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Ảnh minh họa/Nguồn: dienbientv.vn

Trong giai đoạn 2022-2025, Ủy ban nhân dân tỉnh xác định “Tạo điều kiện cho cộng đồng thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản; tăng cường các hình thức giáo dục di sản trong và ngoài trường học” là một trong những nội dung sẽ được triển khai nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Theo đó, Ủy ban dân nhân các huyện, thị xã, thành phố sẽ chủ trì thực hiện mở các lớp truyền dạy tại cộng đồng với sự tham gia của các đối tượng là Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân dân gian, người am hiểu, hạt nhân tiêu biểu trong cộng đồng, thanh niên tại các địa phương đang nắm giữ di sản. Nội dung truyền dạy bao gồm: giá trị, ý nghĩa của di sản và phương pháp gìn giữ, bảo tồn di sản trọng cộng đồng, phương pháp ứng dụng di sản vào việc phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương; Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các Nghệ nhân trao truyền, hướng dẫn thực hành di sản trong cộng đồng cho thế hệ kế cận; xây dựng các mô hình, đội văn hóa, Câu lạc bộ thực hành, bảo tồn di sản sau khi kết thúc thời gian truyền dạy.

Tại các địa bàn đang nắm giữ di sản sẽ thành lập các đội văn nghệ, đội xòe, câu lạc bộ xòe; câu lạc bộ hát Then, đàn Tính, tạo không gian giao lưu gặp gỡ của những người yêu thích nghệ thuật Xòe, hát Then, đàn Tính góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, bảo tồn giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, đồng thời xây dựng nếp sống văn hóa trong cộng đồng.

Tổ chức hội thi, hội diễn, liên hoan, giao lưu giữa các đội văn nghệ, câu lạc bộ nhằm tăng tình đoàn kết, gắn bó cộng đồng đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị di sản; Tổ chức giao lưu, liên hoan nghệ thuật Xòe Thái, Hát Then quy mô toàn tỉnh.

Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường đưa di sản vào trường học, tuyên truyền, nâng cao niềm tự hào về di sản đối với học sinh trên địa bàn tỉnh thông qua việc lồng ghép, tích hợp trong chương trình chính khóa, ngoại khóa, chương trình giáo dục tại địa phương để giới thiệu về các di sản văn hóa của tỉnh đã được UNESCO ghi danh cũng như các di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa. Cụ thể:

Tỉnh sẽ đưa nội dung về di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam” và di sản “Nghệ thuật Xòe Thái” và 06 di sản văn hóa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa vào tài liệu giáo dục địa phương. Khuyến khích giáo viên sưu tầm thêm tài liệu, tranh ảnh, băng đĩa liên quan về di sản cho chủ đề dạy học nhằm hỗ trợ hoạt động tìm hiểu, khám phá của học sinh.

Tổ chức các hoạt động trải nghiệm, thực hành di sản tại các trường học trên địa bàn nắm giữ di sản với các hoạt động như: Tổ chức cho học sinh và giáo viên trong nhà trường gặp gỡ, giao lưu với Nghệ nhân, người am hiểu về các di sản; Tổ chức trải nghiệm, trực tiếp thực hành di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam” và di sản “Nghệ thuật Xòe Thái” tại các buổi hoạt động ngoại khóa, lồng ghép trong các buổi học âm nhạc, tự chọn, sinh hoạt tập thể,…thông qua các hoạt động giao lưu, các em sẽ được phát triển nhiều các kỹ năng mềm, sự tự tin, kỹ năng hòa nhập với cộng đồng; khơi dậy tình yêu, niềm tự hào về di sản từ đó tăng cường ý thức giữ gìn, lưu truyền di sản.

Việc triển khai các hoạt động trên sẽ góp phần phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, đưa các di sản văn hóa trở thành nội lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao nhận thức, lòng tự hào dân tộc và sự tham gia trực tiếp của người dân trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

D.H

Tin liên quan