Tầm nhìn

Hải Dương: Tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản các bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh

15:46, 01 Tháng Chín 2022

(DSX)- Công tác bảo vệ, bảo quản các bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Hải Dương luôn tuân theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

BVQG Trống đồng Hữu chung. Ảnh: Báo Hải Dương

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 08 hiện vật, nhóm hiện vật được thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia, gồm: Trống Đồng Hữu Chung (đang lưu giữ tại Bảo tàng Hải Dương), Cửu phẩm liên hoa chùa Giám (xã Định Sơn, huyện Cẩm Giàng), Bia “Thanh Mai Viên Thông tháp bi” (chùa Thanh Mai, xã Hoàng Hoa Thám, thành phố Chí Linh); Cửu phẩm liên hoa chùa Động Ngọ (xã Tiền Tiến, thành phố Hải Dương); Bia “Côn Sơn Tư Phúc tự bi” và Bia “Thanh Hư Động” (chùa Côn Sơn, phường Cộng Hòa, thành phố Chí Linh); Hệ thống bia ma nhai động Kính Chủ (phường Phạm Thái, thị xã Kinh Môn); Bia “Sùng Thiên tự bi” chùa Dâu (xã Nhật Tân, huyện Gia Lộc). Các bảo vật quốc gia thuộc các chất liệu khác nhau như đá, đồng và gỗ, đều là các cổ vật có giá trị đặc biệt tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, khoa học của đất nước, đang được lưu giữ và bảo quản trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Hàng năm, thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành văn bản hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác phòng chống thiên tai, cháy, nổ, trộm cắp, bảo vệ các hiện vật, cổ vật tại di tích, đặc biệt là tại các di tích đang lưu giữ bảo vật quốc gia.

Các bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh đều nằm tại các di tích đã được xếp hạng quốc gia đặc biệt (chùa Côn Sơn, động Kính Chủ), di tích quốc gia (chùa Thanh Mai, chùa Dâu, chùa Giám, chùa Động Ngọ) là các di tích lớn của tỉnh nên công tác bảo vệ, bảo quản hiện vật, tôn tạo, giữ gìn cảnh quan môi trường đều được chú trọng thường xuyên, các hiện vật đều có nhà che bia (với các hiện vật bia đá), nhà phẩm (với 02 Cửu phẩm liên hoa) đáp ứng được việc bảo vệ hiện vật khỏi ảnh hưởng của thời tiết. Các di tích đều có các Ban Quản lý di tích thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, UBND cấp huyện hoặc cấp xã trực tiếp quản lý. Hiện vật Trống đồng Hữu Chung được lưu giữ và bảo quản tại nhà trưng bày chính của Bảo tàng tỉnh.

Tại các di tích đang lưu giữ bảo vật quốc gia, các ban quản lý di tích đều thực hiện các biện pháp bảo vệ hiện vật như:

Kiện toàn lực lượng bảo vệ, xây dựng phương án bảo vệ an toàn cho bảo vật hiện được lưu giữ tại khu di tích; phân công người chịu trách nhiệm chính đối với việc quản lý, bảo quản, bảo vệ bảo vật quốc gia; lắp đặt các trang thiết bị đảm bảo an ninh (hệ thống chiếu sáng, camera giám sát); chú trọng công tác vệ sinh môi trường, cải tạo cảnh quan không gian di tích cũng như không gian trưng bày bảo vật quốc gia.

Tuyên truyền, nhắc nhở cho người dân và du khách đến thăm quan, chiêm bái tại di tích giá trị của di tích nói chung và bảo vật quốc gia nói riêng để mọi người có ý thức bảo vệ và giữ gìn bảo vật, cổ vật và hiện vật tại di tích.

Các bảo vật quốc gia là bia đá tại các di tích đều được đặt trong nhà bia có kiến trúc phù hợp với cảnh quan di tích, có lan can bao quanh để giới hạn khoảng cách với du khách tham quan, đặt biển giới thiệu nội dung, giá trị của hiện vật, biển nội quy nhắc nhở du khách không viết, vẽ lên hiện vật và các hành vi xâm hại khác.

Các hoạt động tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị tại các di tích có liên quan đến bảo vật quốc gia đều được báo cáo, đề xuất và có sự thẩm định, phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Công tác bảo quản bảo vật quốc gia luôn được quan tâm, chú trọng. Cụ thể, đối với bảo vật Trống đồng Hữu Chung, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương: Bảo tàng đã áp dụng các phương pháp bảo quản phòng ngừa định kỳ và bảo quản trị liệu (bằng hóa chất) nhằm kéo dài tuổi thọ cho hiện vật. Trống đồng Hữu Chung thuộc văn hóa Đông Sơn đã tồn tại hàng nghìn năm trong lòng đất nên có hiện tượng ăn mòn phát triển làm ảnh hưởng đến độ bền cũng như giá trị lịch sử, thẩm mỹ của hiện vật. Hiện vật có lớp patin bị mủn bục, bong từng mảng lớn. Năm 2018 Bảo tàng tỉnh Hải Dương phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tiến hành phương pháp bảo quản trị liệu nhằm loại muối và các tạp chất gây hại cho hiện vật giúp làm sạch hiện vật, làm rõ hoa văn trang trí trên hiện vật, góp phần ổn định và ức chế, tạo lớp màng bảo vệ kéo dài tuổi thọ cho hiện vật…

Đối với Cửu phẩm liên hoa chùa Giám (xã Định Sơn, huyện Cẩm Giàng) và Cửu phẩm liên hoa chùa Động Ngọ (xã Tiền Tiến, thành phố Hải Dương) đều được đặt trong nhà phẩm và thường xuyên được vệ sinh, kiểm tra và đánh giá định kỳ những tác nhân gây hại như mối, mọt, đã phần nào đáp ứng được việc bảo vệ hiện vật trong điều kiện cho phép. Năm 2022, UBND huyện Cẩm Giàng đã lập dự án tu bổ, tôn tạo khu di tích chùa Giám trong đó có hạng mục Nhà phẩm và tòa Cửu phẩm liên hoa. Dự án đang trong quá trình báo cáo UBND tỉnh để trình Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến chỉ đạo trước khi trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định.

Đối với các hiện vật bia đá tại các di tích, các nhà che bia thường xuyên được chú trọng tu bổ, ngăn ngừa tình trạng xuống cấp, đảm bảo công năng bảo quản hiện vật, thực hiện các biện pháp cải tạo không gian cảnh quan, vệ sinh môi trường, ngăn ngừa tình trạng mưa dột, ngập úng ảnh hưởng tới hiện vật./.

T.T

Tin liên quan