Tầm nhìn
Bộ VHTTDL cấp phép thăm dò khảo cổ tại khu vực nội thành di tích Thành Châu Sa
09:04, 05 Tháng Chín 2022
(DSX)- Từ ngày 12/9/2022 đến ngày 12/10/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi thăm dò khảo cổ tại khu vực nội thành di tích Thành Châu Sa, xã Tịnh Châu, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.
Di tích Thành cổ Châu Sa/Báo Quảng Ngãi Theo đó, diện tích thăm dò là 15m2 (gồm 03 hố: H1: 05m2 ; H2: 05m2 ; H3: 05m2 ). Chủ trì thăm dò là ông Đoàn Ngọc Khôi, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi.
Trong thời gian thăm dò, cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.
Những hiện vật thu thập được trong quá trình thăm dò, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.
Sau khi kết thúc đợt thăm dò, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi phải có báo cáo kết quả thăm dò và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã thăm dò trong thời gian chậm nhất 01 (một) tháng, gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trước khi công bố kết quả của đợt thăm dò, cơ quan được cấp giấy phép trao đổi, thống nhất với Cục Di sản văn hóa.
Thành cổ Châu Sa cách trung tâm TP.Quảng Ngãi khoảng 7km. Theo sử sách, thành cổ Châu Sa do người Chăm xây dựng vào khoảng thế kỷ VIII - IX, gồm có hai vòng thành: Thành nội và thành ngoại thuộc địa phận các xã Tịnh Châu, Tịnh An, Tịnh Thiện, Tịnh Khê.
Theo các nhà khảo cổ học, thành Châu Sa là tòa thành đất có quy mô lớn và còn nguyên vẹn nhất so với thành Chămpa khác ở miền Trung Việt Nam. Đây là một trong những trung tâm hành chính, kinh tế và văn hóa quan trọng của vương quốc Chiêm Thành năm xưa. Các nhà nghiên cứu cho rằng người Chăm xây dựng thành Châu Sa nhằm phòng ngừa, ngăn chặn những cuộc dấy loạn, quấy phá của các tiểu quốc...
Thành Châu Sa được phát hiện vào năm 1924 khi nhà khảo cổ học người Pháp Henri Parmentier (1871 - 1949) tình cờ tìm thấy một bia đá, sau này gọi tên là “Bia đá Châu Sa”.
Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, từ cuối thế kỷ XV, vùng đất Châu Sa thuộc triều đình phong kiến Đại Việt và đặt thủ phủ tại thành Châu Sa để cai quản, trong đó có thủ phủ Tư Nghĩa, nay là vùng đất tỉnh Quảng Ngãi.
Di tích thành cổ Châu Sa được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1994. Để góp phần phát huy giá trị di tích thành cổ Châu Sa, ngành du lịch Quảng Ngãi đã có định hướng phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương này./.
T.T
Tin liên quan
- Thực hiện một số nội dung thuộc Chương trình bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2030 10:41, 03/09/2022
- Vĩnh Long: Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ 15:08, 02/09/2022
- Cần Thơ: Tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị của bảo vật quốc gia 16:38, 01/09/2022
- Hải Dương: Tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản các bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh 15:46, 01/09/2022
- Bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh 16:43, 30/08/2022
- Bình Định: Cần sớm phát huy giá trị phế tích Châu Thành 15:16, 30/08/2022
- Đồng Tháp tăng cường bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hoá giai đoạn 2022 – 2025 16:47, 29/08/2022