Tầm nhìn
Thanh Hóa: Bảo tồn, tôn tạo và bảo vệ môi trường du lịch tại di tích Bà Triệu
16:13, 26 Tháng Tám 2022
(DSX)- Đó là một trong những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cần triển khai thực hiện của Đề án “Đổi mới công tác quản lý, khai thác, phát triển du lịch tại Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Bà Triệu, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021- 2030”.
Cổng tam quan đền Bà Triệu. Ảnh: internet Theo đó, để bảo tồn, tôn tạo di tích và bảo vệ môi trường du lịch tại Khu di tích Bà Triệu, cần quan tâm thực hiện thường xuyên công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng, người dân địa phương về trách nhiệm giữ gìn di sản và tài nguyên du lịch địa phương; xây dựng môi trường văn hóa cho các điểm đến du lịch trong di tích.
Đồng thời tăng cường liên kết giữa Nhà nước, cộng đồng và doanh nghiệp trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên và khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng vào hoạt động khai thác, phát triển du lịch. Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa tại Khu di tích Bà Triệu. Đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ; áp dụng các giải pháp ứng dụng khoa học, công nghệ trong bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch; xây dựng bộ quy định, hướng dẫn về quản lý môi trường, rác thải đối cho người dân, khách du lịch, doanh nghiệp du lịch.
Cùng với đó, nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa Khu di tích Bà Triệu và khu vực lân cận. Cụ thể, giai đoạn 2022 - 2025 thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ về văn hoá, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá đặc sắc để xây dựng các sản phẩm du dịch và thực hiện liên kết phát triển các tuyến, các chuỗi điểm tham quan du lịch. Giai đoạn 2026 - 2030 nghiên cứu lập hồ sơ trình đề cử Lễ hội Đền Bà Triệu là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch tại Khu di tích Bà Triệu dựa trên giá trị lịch sử, gắn với các giá trị về di sản văn hóa vật thể; về tín ngưỡng thờ cúng, tri ân vị nữ anh hùng dân tộc - người phụ nữ đầu tiên được triều đình phong kiến Việt Nam phong Thần; về giá trị kiến trúc, nghệ thuật tiêu biểu cho các đền, đình Việt Nam thế kỷ thứ XIX và về giá trị nhân văn cao cả, tôn vinh người phụ nữ Việt Nam.
Ngoài ra, hình thành tổ hợp không gian du lịch lịch sử - tâm linh - văn hóa - sinh thái với đa dạng các sản phẩm du lịch, xác định khu vực hạt nhân tạo đòn bẩy phát triển là Đền Bà Triệu. Thực hiện nghiên cứu, rà soát, trình lập quy hoạch Khu di tích Bà Triệu và các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh: Mở rộng, bổ sung thêm Đền Đệ Tứ vào Quy hoạch; tổ chức lại không gian kiến trúc, mở rộng diện tích các dự án trong quy hoạch phù hợp với quy mô và tình hình thực tế tại Di tích Quốc gia Đặc biệt Khu di tích Đền Bà Triệu; có kế hoạch thu hút đầu tư, triển khai, thực hiện quy hoạch và kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa đầu tư tại Khu di tích.
Nghiên cứu xây dựng và duy trì biểu diễn định kỳ hằng tháng chương trình nghệ thuật giới thiệu về Khu di tích Bà Triệu, gắn với lịch sử, văn hóa xứ Thanh và phù hợp với quy mô, tính chất của Khu di tích Bà Triệu, tạo điểm nhấn cho du lịch tại di tích. Hình thành các tuyến du lịch kết nối với các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Từng bước chuyên nghiệp hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến du lịch; đẩy mạnh quảng bá về điểm đến Khu di tích Bà Triệu trên các nền tảng ứng dụng và mạng xã hội, YouTube hoặc streamer; thông qua các sản phẩm âm nhạc, phim ngắn…
Bên cạnh đó phát triển du lịch tình nguyện, gắn hoạt động du lịch, tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử với các hoạt động từ thiện, tình nguyện (vệ sinh, bảo vệ môi trường, xây dựng các công trình an sinh xã hội)… và định hướng du lịch tình nguyện trở thành một công cụ quảng bá hữu hiệu cho hình ảnh du lịch Khu di tích Bà Triệu. Thực hiện quảng bá về Khu di tích Bà Triệu trên các pano, áp phích ngoài trời tại các vị trí trọng điểm về du lịch trên địa bàn tỉnh và tại các dự kiện văn hóa, du lịch của tỉnh và trong nước; phát hành các ấn phẩm quảng bá tại Khu di tích dưới hình thức sổ tay du lịch, video, bản đồ, áo, mũ, móc chìa khóa, tranh ảnh lưu niệm…; in các tờ gấp giới thiệu ngắn gọn về lịch sử, các địa điểm thăm quan Khu di tích Bà Triệu tích hợp với bản đồ Khu di tích. Khuyến khích các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, các nhà đầu tư, các tổ chức và nhân dân tích cực tham gia công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch./.
T.T
Tin liên quan