Tầm nhìn
Khai quật khảo cổ tại di tích Trại Cấp, tỉnh Quảng Ninh
15:03, 20 Tháng Tám 2022
(DSX)- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1957/QĐ-BVHTTDL cho phép Bảo tàng Quảng Ninh phối hợp với Hội Khảo cổ học Việt Nam và Viện Khảo cổ học khai quật khảo cổ tại di tích Trại Cấp thuộc Đội 8, thôn Linh Tràng, xã Tràng Lương, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Văn hóa Theo đó, thời gian khai quật từ ngày 25/8/2022 đến ngày 25/12/2022, trên diện tích 980m2, gồm 03 hố (H5: 600m2 = 20m x 30m; H6: 300m2 = 10m x 30m; H7: 80m2 = 08m x 10m). Chủ trì khai quật là bà Lê Thị Liên, Hội Khảo cổ học Việt Nam.
Trong thời gian khai quật, cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hoá ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.
Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật phải được tạm nhập vào Bảo tàng Quảng Ninh để giữ gìn, bảo quản; Bảo tàng Quảng Ninh, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.
Sau khi kết thúc đợt khai quật, Bảo tàng Quảng Ninh, Hội Khảo cổ học Việt Nam và Viện Khảo cổ học phải có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã khai quật trong thời gian chậm nhất 01 (một) tháng và báo cáo khoa học trong thời gian chậm nhất 01 (một) năm, gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trước khi công bố kết quả của đợt khai quật, cơ quan được cấp giấy phép trao đổi, thống nhất với Cục Di sản văn hóa.
Di tích chùa Trại Cấp phân bố trên một quả đồi thấp trong khu vực có tọa độ 21012’94’’ vĩ độ Bắc, 10606’23” kinh độ Đông, trên con đường hành hương vào di tích chùa Hồ Thiên và cách chùa khoảng 3,2km về phía Đông Nam. Năm 2016, qua điều tra, khảo sát đã phát hiện ra dấu tích chùa Trại Cấp. Tại đây còn lại dấu vết của các loại hình tảng kê chân cột, gạch ngói của các thời Trần và Lê Trung Hưng, một số dấu vết bó nền và một số tháp đá. Dựa trên các dấu vết vật chất còn lại, bước đầu có thể xác định, chùa Trại Cấp được xây dựng dưới thời Trần, quy mô khá lớn và được trùng tu thời Lê Trung Hưng.
Với vị trí nằm trên đường kết nối di tích chùa Ngọa Vân, chùa Hồ Thiên, khu di tích danh thắng Yên Tử, chùa Trại Cấp có thể nắm giữ vai trò nhất định trong hệ thống chùa tháp Trúc Lâm Yên Tử./.
T.T
Tin liên quan
- Bảo tàng tỉnh Hậu Giang gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa 16:55, 19/08/2022
- Cấp phép khai quật khảo cổ tại điểm di tích Am Hoa và đền An Sinh 14:57, 19/08/2022
- Lạng Sơn: Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học Lễ hội Chùa Bắc Nga đề nghị đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia 09:20, 19/08/2022
- Tu bổ đại đình và hạ tầng kỹ thuật di tích đình Cổ Chế, TP Hà Nội 16:22, 18/08/2022
- Quảng Ngãi: Đề nghị xếp hạng di tích quốc gia Đền thờ anh hùng dân tộc Trương Định 16:10, 18/08/2022
- Thái Bình: Triển khai kế hoạch bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa 14:33, 18/08/2022
- Tái thẩm định danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng 10:51, 18/08/2022