Tầm nhìn
Quảng Ngãi: Trên 14 tỷ đồng trùng tu, tôn tạo di tích Quốc gia chùa Ông
16:16, 05 Tháng Tám 2022
(DSX) – UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Quyết định số 808/QĐ-UBND về chủ trương đầu tư dự án Trùng tu, tôn tạo Di tích Quốc gia Chùa Ông (thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa).
Di tích Chùa Ông. (Nguồn: vamvo.com)
Dự án do Sở VHTTDL tỉnh làm chủ đầu tư, với mục tiêu nhằm bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế - xã hội.
Theo đó, các hạng mục trùng tu, tôn tạo chùa Ông bao gồm: Tiền đường, Chánh điện, Hậu cung (gồm cả xây dựng và thiết bị); tu bổ cổng tam quan, bình phong, trụ biểu; tường rào, cổng ngõ; sân vườn, cây xanh và các hạng mục khác với tổng mức đầu tư dự án là 14,95 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở VHTTDL chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật liên quan; đồng thời thực hiện kiến nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo thẩm định chủ trương đầu tư dự án số 212/BC-SKHĐT.
Chùa Ông (Quan Thánh Tự) tọa lạc tại thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, cách thành phố Quảng Ngãi 10km về hướng đông. Chùa được 4 bang người Hoa Minh hương (Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam, Quảng Đông) sống tại vùng Thu Xà kiến lập vào năm Minh Mạng thứ hai (1821), Chùa Ông thờ Quan Vũ ở gian chính điện, thờ Quán Thế Âm Bồ Tát (người vùng biển Trung Hoa và Việt Nam gọi là Phật Quan Âm Nam Hải) ở gian hậu cung theo mô hình “Tiền thánh hậu phật”. Ngoài ra ở hậu cung còn thờ Thiên Hậu, Kim Đẩu và 12 bà mụ. Chùa có sự giao thoa, kết hợp hài hòa các yếu tố kiến trúc của người Việt và người Hoa trong một tổng thể giàu tính thẩm mỹ.
Từ ngày kiến lập đến nay, Chùa Ông đã trải qua 04 lần trùng tu (vào các năm: 1881, 1894, 1920, 1991) và được bảo tồn khá nguyên vẹn. Với những giá trị to lớn về văn hóa, lịch sử, Chùa Ông đã được Nhà nước công nhận là Di tích Quốc gia vào năm 1993. Đây cũng là một trong những cơ sở thờ phụng trên địa bàn tỉnh thu hút nhiều du khách đến chiêm bái, tham quan trong các dịp lễ, Tết, Phật đản, Vu lan...
Tin liên quan
- Chương trình số hóa di sản văn hóa trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2022-2030 16:48, 04/08/2022
- Tổ chức Hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy giá trị các Khu Di sản Thế giới tại Việt Nam trong bối cảnh hậu Covid-19 17:23, 03/08/2022
- Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hoá Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Nam Định 09:28, 02/08/2022
- Tu bổ, tôn tạo di tích đình Hà Hương, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội 09:24, 01/08/2022
- Hội An - Từ thành phố di sản tới thành phố sáng tạo 15:58, 29/07/2022
- Lễ hội Khai hạ và Tri thức lịch Tre của người Mường trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 15:05, 29/07/2022
- Tây Ninh báo cáo công tác Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tháng 7/2022 16:47, 26/07/2022