Tầm nhìn
Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích Hậu Xá 1 và Hậu Xá 2, tỉnh Quảng Nam
16:21, 07 Tháng Sáu 2022
(DSX)- Ngày 7/6, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 1310/QĐ-BVHTTDL, cho phép Bảo tàng tỉnh Quảng Nam phối hợp với Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An khai quật khảo cổ tại di tích Hậu Xá 1 và Hậu Xá 2 thuộc phường Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Vị trí dự kiến khai quật tại di tích Hậu Xá 1. Nguồn: hoianheritage.net Theo đó, thời gian khai quật từ ngày 10/6/2022 đến ngày 20/7/2022, trên diện tích 50m2 (gồm 04 hố: Hậu Xá 1: 02 hố; Hậu Xá 2: 02 hố). Chủ trì khai quật là bà Nguyễn Thị Ngà, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
Trong thời gian khai quật, cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hoá ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.
Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.
Sau khi kết thúc đợt khai quật, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam và Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An phải có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã khai quật trong thời gian chậm nhất 01 (một) tháng và báo cáo khoa học trong thời gian chậm nhất 01 (một) năm, gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Trước khi công bố kết quả của đợt khai quật, cơ quan được cấp giấy phép trao đổi, thống nhất với Cục Di sản văn hóa.
Di tích Hậu Xá 1 và Hậu Xá 2 là hai di tích khảo cổ học quan trọng trên bản đồ di tích khảo cổ học ở Quảng Nam. Cả hai di tích đều được xếp hạng là di tích cấp Tỉnh từ năm 2008. Hiện nay, dự án Khu dân cư dọc tuyến đường Điện Biên Phủ nối dài (giai đoạn 1) thuộc phường Thanh Hà, thành phố Hội An được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt đang được triển khai có khả năng liên quan đến không gian phân bố của di tích mà dấu tích là các mảnh gốm phát hiện trên bề mặt hoặc người dân phát hiện di vật trong quá trình lao động vào những năm trước. Do vậy, việc triển khai khai quật khảo cổ tại khu vực bên ngoài phạm vi khoanh vùng bảo vệ của hai di tích này nhằm tiếp tục xác định không gian phân bố, phạm vi khu di tích, so sánh, nhận diện rõ hơn về tính chất, quy mô, giá trị của di tích, qua đó góp phần bổ sung thêm nguồn tư liệu, nhận thức mới về văn hóa Sa Huỳnh, Champa sớm ở Hội An đồng thời tạo cơ sở cho những khai quật nghiên cứu khảo cổ học tiếp theo trong quá trình thi công dự án. Mặt khác, việc khai quật còn nhằm bổ sung bộ sưu tập hiện vật văn hóa Sa Huỳnh, Champa sớm ở Hội An, phục vụ công tác nghiên cứu và trưng bày, phát huy giá trị hiện vật.
T.T
Tin liên quan
- Sở VHTTDL Vĩnh Phúc báo cáo công tác quản lý di sản 6 tháng đầu năm 2022 15:39, 06/06/2022
- Cần cơ chế đồng bộ trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa 09:53, 06/06/2022
- Tu bổ, tôn tạo di tích chùa Sùng Nghiêm, TP Hà Nội 09:49, 06/06/2022
- Ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử- văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk 16:29, 02/06/2022
- Tuyên Quang: Tập trung triển khai Dự án bảo quản, tu bổ phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào gắn với phát triển du lịch đến năm 2025 16:07, 01/06/2022
- Bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2022-2025 17:08, 31/05/2022
- Tiếp tục triển khai Đề án hỗ trợ hoạt động quản lý và đầu tư bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên 15:07, 30/05/2022