Tầm nhìn
Khai quật khảo cổ tại di tích Mái đá làng Vành, tỉnh Hòa Bình
09:29, 06 Tháng Năm 2022
(DSX)- Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 1052/QĐ-BVHTTDL, cho phép Bảo tàng tỉnh Hòa Bình phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật khảo cổ tại di tích Mái đá làng Vành ở xóm Vành, xã Yên Phú và di tích hang Xóm Trại ở núi Khụ, xóm Trại, xã Tân Lập thuộc huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Nguồn: Báo Hòa Bình Thời gian khai quật từ ngày 15/5/2022 đến ngày 15/7/2022, trên diện tích 70m2. Cụ thể như sau: Di tích Mái đá làng Vành: 50m2 (gồm 01 hố 40m2 (02x20m) và các hố thăm dò nhỏ); di tích hang Xóm Trại: 20m2 (gồm 02 hố 06m2 (02x03m), 04 hố 02m2 (01x02m) và các hố thăm dò nhỏ). Chủ trì khai quật là ông Lê Hải Đăng, Viện Khảo cổ học.
Trong thời gian khai quật, cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hoá ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.
Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật, Bảo tàng tỉnh Hòa Bình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.
Sau khi kết thúc đợt khai quật, Bảo tàng tỉnh Hòa Bình và Viện Khảo cổ học phải có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã khai quật trong thời gian chậm nhất 01 (một) tháng và báo cáo khoa học trong thời gian chậm nhất 01 (một) năm, gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trước khi công bố kết quả của đợt khai quật, cơ quan được cấp giấy phép trao đổi, thống nhất với Cục Di sản văn hóa.
“Mái đá làng Vành” là di tích khảo cổ học thời đại đá, thuộc nền văn hoá Hoà Bình. Đây là một di tích lịch sử cấp quốc gia, rất có giá trị lịch sử và khoa học. di tích mái đá làng Vành được nhà khoa học M.Colani phát hiện và khai quật vào năm 1929 trong đợt điều tra khảo cổ học khu vực núi đá vôi phía nam của tỉnh. Khai quật di chỉ mái đá làng Vành đã thu được 951 hiện vật các loại. Bên cạnh công cụ ghè đẽo đã thu được một số lượng rất lớn công cụ mài gồm đục, công cụ mài lưỡi, rìu mài toàn thân, viên đá có khoét lỗ và vòng đá. Kết quả nghiên cứu khai quật được công bố năm 1930 cho thấy di tích mái đá làng Vành thuộc nền văn hoá Hoà Bình, có khung niên đại kéo dài từ 17.000- 8.000 năm cách ngày nay. Do đó, mái đá làng Vành được xếp vào giai đoạn trung gian của văn hoá Hoà Bình.
Sau hơn 80 năm được khai quật, hiện nay, mái đá làng Vành vẫn còn bảo vệ, lưu giữ được một tầng văn hoá gốc, trên vách mái đá còn lại khá nhiều những lớp trầm tích của kỷ đệ tứ. Toàn bộ dãy núi đá trắng và phần cực tây khu vực mái đá làng Vành vẫn còn được giữ nguyên trạng.
T.T
Tin liên quan
- Đưa lễ hội Đền Cao An Phụ vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia 16:48, 04/05/2022
- Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa Hà Nam 14:49, 02/05/2022
- Tiếp tục thực hiện tuyên truyền công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Tràng An 15:50, 01/05/2022
- Tuyên Quang: Đến năm 2025, phấn đấu 100% các di tích đã xếp hạng quốc gia được bảo tồn và phát huy giá trị 09:41, 01/05/2022
- Bình Định: Thực hiện Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 09:10, 01/05/2022
- Bình Định: Thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030” 16:22, 29/04/2022
- Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài” 16:40, 27/04/2022