Chùa Bối Khê là một trong những ngôi chùa nổi tiếng trong vùng với không gian, cảnh quan và môi sinh rộng, thông thoáng.
Chùa Bối Khê có tên chữ là “Đại Bi tự” nằm trên địa bàn thôn Song Khê (trước là thôn Bối Khê, sau cùng với thôn Phúc Khê hợp lại thành thôn Song Khê) thuộc xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội; cách Bưu điện Bờ Hồ khoảng 20km về phía Tây - Nam, cách đại danh lam thắng tích Chùa Hương chừng 40km đi theo đường 21B. Chùa Bối Khê là một trong những ngôi chùa nổi tiếng trong vùng với không gian, cảnh quan và môi sinh rộng, thông thoáng.
1. Lược sử về sự hình thành và phát triển của ngôi chùa:
Chùa Bối Khê là ngôi già lam cổ tự được khởi dựng từ thời Trần trên bờ Đỗ Động giang. Con sông này là con sông cổ chảy từ Cao Bộ (xã Cao Viên cùng huyện) xuống Từ Châu (xã Liên Châu cùng huyện) - “Thượng tự Cao Bộ, hạ chí Từ Châu” rồi đổ ra sông Nhuệ xuống Lục đầu giang. Dân gian trong vùng vẫn truyền tụng câu ca “Đỗ Động giang khai, Thanh Oai hiển thánh”. Chùa tọa lạc theo thế “Phượng chủy”, nghĩa là ngôi chùa nằm gọn trên đầu con phượng như đang tung cánh giữa trùng khơi: Phía trước là cánh đồng và bãi đất trống cùng những cây cổ thụ và dòng Đỗ Động giang; từ Ngũ môn quan tới Tam quan là cây cầu nhỏ vắt ngang trông tựa như mỏ phượng; hai bên sườn Tam bảo là 2 giếng đá cổ trông tựa như hai đôi mắt; phần đất hình tam giác vắt sang làng Hưng Giáo (cùng xã Tam Hưng) tựa đuôi cong. Như vậy, toàn bộ ngôi chùa cổ tọa lạc chỉnh tề trên đầu của linh vật này.
Chùa Bối Khê kết cấu theo kiểu “Nội công, ngoại Quốc”quay theo hướng Tây bao gồm các hạng mục: Ngũ môn quan, Tam quan, Sân, Nhà bia, Tiền đường, Thượng điện, Tả - hữu hành lang, Hậu đường, Điện thánh, Nhà tổ - Nhà mẫu và Nhà khách. Ngôi chùa này còn giữ được khá nhiều dấu tích của ngày khởi dựng. Chùa còn bảo lưu được bệ đá noa sen thời Trần, chim thần Ga -ru - đa tạc bằng gỗ ở đầu đao thượng điện, chân đèn đá thời Mạc, tượng thời Mạc gạch và tượng thời Lê có giá trị nghệ thuật rất cao. Đặc biệt ở phần Điện Thánh kết cấu theo kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái đao cong được đón đỡ bởi hệ thống đấu củng là một tác phẩm tuyệt tác của nghệ thuật taọ hình.
Vườn trước mặt chùa Bối Khê (ảnh nguồn: Internet)
Chùa Bối Khê là nơi thờ tự theo dạng cách “Tiền Phật, hậu Thánh” (giống như Chùa Thầy - huyện Quốc Oai - Hà Nội; Chùa Keo - Thái Bình…), phía trước là nơi thờ Phật, phía sau là nơi thờ đức Thánh Bối Nguyễn Bình An. Ông là người làng Bối Khê, xuất gia đầu Phật từ nhỏ. Sau lên Chùa Trăm Gian (Quảng Nghiêm Tự) trên Tiên Lữ (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội ) tu trì và đắc đạo ở đó. Sau khi ông nhập khám, hai làng Bối Khê và Tiên Lữ (vùng Tứ Bích) kết Chạ thành Anh cả và Em bé tới ngày nay.
Vào ngày 04 tháng Giêng hàng năm (là ngày nhập Khám), dân làng Bối Khê lại lên Tứ Bích dự hội; ngày 12 tháng Giêng dân làng Tứ Bích lại xuống Bối Khê dự hội. Vì thế, vai trò thờ Phật tại chùa Bối Khê được đưa xuống hang thứ yếu và vai trò thờ Thánh được đẩy lên cao và đóng vai trò chủ đạo.
2. Công tác bảo vệ môi trường di tích Quốc gia chùa Bối Khê trong bối cảnh hiện nay:
Môi trường và việc bảo vệ môi trường tại di tích Quốc gia chùa Bối Khê trong bối cảnh đang diễn diễn ra quá trình đô thị hóa hiện nay là vấn đề cấp bách, cần có biện pháp hữu hiệu trước thực trạng này. Vì thế cần phải có cái nhìn tổng quan về môi trường, để từ đó nhận diện về môi trường và việc bảo vệ môi trường tại di tích.
Theo cách hiểu của chúng tôi, thì môi trường di tích bao gồm không gian mà di tích tọa lạc, trong đó có cảnh quan, địa điểm để mọi người thực hiện nghi thức tâm linh như tế lễ, đình đám, hội hè… cùng môi trường sinh thái, sinh hoạt của một cộng đồng người, nơi di tích chuyển tải ý nghĩa tâm linh, tôn giáo. Chùa Bối Khê là một di tích Quốc gia như thế.
Song Khê là một đơn vị hành chính rộng, dân cư đông, khuôn viên di tích lớn. Vì thế, việc bảo vệ môi trường tại đây nên tập trung vào các vấn đề chủ yếu như sau:
Thứ nhất, chùa Bối Khê là một trong những di tích của địa phương nằm trong vùng quy hoạch nông thôn mới. Với tốc độ xây dựng nhà cửa dân sinh như hiện nay, cảnh quan của ngôi chùa từng bước bị “bao vây” bởi sự xuất hiện của những ngôi nhà cao tầng. Sự xuất hiện của những ngôi nhà cao tầng này từng bước phá vỡ không gian và cảnh quan của ngôi chùa cổ.
Cùng với sự xuất hiện của những ngôi nhà cao tầng, dân số cũng gia tăng, làm giảm không gian sinh tồn, kéo theo các lĩnh vực phúc lợi khác để đáp ứng với tốc độ gia tăng dân số. Hiện nay, ngay sát bên phải ngôi chùa là trường Mầm non Tam Hưng. Hàng ngày, ngôi trường này thải ra một khối lượng nước thải khá lớn chảy qua trước cửa chùa, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng tới môi sinh ngôi chùa.
Chính lượng nước thải này cùng với lượng nước thải của các hộ gia đình khác trong xóm thải ra dòng Đỗ Động giang (nay chỉ còn dấu tích mờ nhạt là một con ngòi nhỏ chảy qua làng) chảy qua trước cửa chùa ứ đọng lâu ngày bốc lên mùi khó chịu cho khách hành hương.
Trong lần tu bổ lớn năm 2006, cảnh quan của ngôi chùa cũng được thay đổi và mở rộng. Ngôi trường Tiểu học đã được di dời tới vị trí khác. Hai cây cổ thụ bị đốn hạ tao ra cảnh quan rộng và thông thoáng cho ngày lễ hội. Cứ vào dịp lễ hội, các ngả đương của làng và trục đường của xã chật ních người từ các nơi đổ về trảy hội. Việc giải tỏa này phần nào đã đáp ứng được sự ùn tắc của du khách thập phương. Bên trong khuôn viên ngôi chùa, hạng mục Nhà khách và Nhà tổ đã được dịch chuyển quay theo hướng chùa, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách vào chiêm bái.
Thứ hai, một năm người nông dân có hai vụ thu hoạch lúa. Trước kia, việc thu hoạch hoàn toàn làm bằng phương pháp thủ công gặt đập tại nhà. Nhưng nay do áp dụng khoa học công nghệ nên thời gian thu hoạch rút lại rất ngắn chỉ còn lại bằng khoảng 1/5 thời gian trước kia. Nhờ áp dụng khoa học công nghệ như vậy nên đã nảy sinh vấn đề khác gây ra ô nhiễm không khí.
Sau khi thu hoạch xong, rơm rạ được người dân gom lại đốt trước cửa chùa, khói bụi bay mù mịt làm ảnh hưởng tới cây cối và cảnh quan ngôi chùa. Gặp những ngày mưa gió, ngọn lửa cháy âm ỉ và tích tụ lâu ngày thổi vào chùa đã phần nào làm giảm tuổi thọ của các cấu kiện gỗ.
Đứng trước thực trạng như vậy, các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể và các cơ quan quản lý cần đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục những đặc điểm trên. Nên chăng:
- Khi thực hiện Quy hoạch phải có biện pháp xử lý nước thải cụ thể, tránh sự ứ đọng trước cửa chùa và sự thẩm ngấm vào các ngôi giếng cổ trong chùa, gây ô nhiễm nguồn nước tại di tích.
- Vào các vụ mùa thu hoạch, chính quyền địa phương cần tuyên truyền và quy định rõ việc tiêu hủy và đốt rơm rạ cụ thể trước của chùa, tránh ô nhiễm không khí trong môi trường di tích.
- Vào các dịp diễn ra lễ hội, nên tuyên truyền cho người dân về ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan môi trường và môi sinh của di tích.
Với ý thức cộng đồng như vậy, cùng với sự đồng thuận của các cấp chính quyền và các cấp quản lý nhà nước thì tình trạng gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng tới cảnh quan di tích sẽ dần dần được khắc phục.
Ths.Nguyễn Trường Yên - Lê Liêm