(DSX)-Trên thực tế quần đảo Cát Bà có mật độ dân cư sinh sống, làm việc, khai thác thủy sản, và điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và đa dạng sinh học.
Cát Bà Khu dự trữ sinh quyển thế giới nằm ở phía Đông – Nam thành phố Hải Phòng, phía Nam Vịnh Hạ Long, cách Trung tâm Thành phố Hải Phòng khoảng 60 km. Di sản thiên nhiên thế giới đề cử - Quần đảo Cát Bà bao gồm khu dự trữ sinh quyển Cát Bà, vườn quốc gia Cát Bà và quần đảo Long Châu có diện tích là 33.670ha, bao gồm 13.478ha đất tự nhiên và 20.192ha mặt biển. Vùng đệm có diện tích 13.000ha. Quần đảo bao gồm 388 hòn đảo đá vôi, Đảo Cát Bà có diện tích bề mặt rộng trên 200km2, là đảo lớn nhất trong số đó, còn lưu giữ được vẻ hoang sơ hài hòa giữa cảnh quan rừng xanh và biển xanh như một miền ký ức sống động về lịch sử hình thành và phát triển của trái đất còn lưu giữ được.
Tuy nhiên, vùng đảo Cát Bà hiện nay không còn xanh, trong như vốn có, mà đang bị nguy cơ ô nhiễm môi trường sinh thái nghiêm trọng, bởi tốc độ đô thị hóa nhanh, cùng với sự phát triển ồ ạt của các loại hình dịch vụ du lịch, nuôi trồng thủy sản...Mỗi ngày ước tính Cát Bà có tới cả nghìn du khách đến và đi; hàng trăm phương tiện khai thác thủy sản, tàu chở khách cập bến, mang theo “rác” của du khách, xác tôm, cá, tu hài chết, dầu loang nổi váng cả mặt nước. Mặc dù huyện Cát Hải đã nỗ lực rất nhiều trong việc thu gom, xử lý rác thải, nhưng tình trạng ô nhiễm ven bờ đảo Cát Bà chưa được cải thiện, thậm chí còn gia tăng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của người dân sở tại, cũng như làm cạn kiệt nguồn thủy sinh.
Thêm vào đó, các nhà hàng, bè nổi đang hoạt động trên vịnh cũng “góp phần” đáng kể vào sự gia tăng ô nhiễm nguồn nước. Lượng rác thải thu gom được các nhà bè tuân thủ đưa lên bờ đúng quy định, song điều đáng nói là lượng “rác” từ con người thải trực tiếp xuống biển tương đối lớn, gây mất vệ sinh, ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Sự phát triển ồ ạt của hệ thống lồng bè trên vịnh cũng đang gây ô nhiễm môi trường nơi đây. Lan Hạ là vịnh nguyên sơ đẹp nhất và hút du khách nhất, nhưng lại đang phải chịu sự quá tải về chất thải và rác thải từ những lồng bè nuôi hải sản. Nguy hại nhất là các chủ hộ do tiết kiệm kinh phí đầu tư đã không sử dụng vật liệu nâng nổi bè bằng hợp chất Composit mà dùng các phao xốp rẻ tiền, phân hủy nhanh, càng làm cho môi trường nước thêm ô nhiễm.
Trước thực trạng này, ông Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết thành phố Hải Phòng đang tập trung cao nhất để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại Cát Bà: “Chúng ta thấy hòn đảo Cát Bà là một ưu đãi đặc biệt của thiên nhiên cho thành phố Hải Phòng. Hiện nay cùng với sự phát triển chúng ta đang phải đối mặt với nguy cơ phá hủy môi trường hay ô nhiễm môi trường, vì vậy chúng tôi sẽ tập trung rất cao cho việc này. Thứ nhất là chúng tôi tập trung tuyên truyền cho nhân dân, thứ hai là chúng tôi chỉ rõ nguồn gây ô nhiễm, đó chính là việc hiện nay đang có quá nhiều lồng bè nuôi cá và những nhà hàng trên vịnh, sắp tới đây chúng tôi đang điều chỉnh quy hoạch để giảm tối đa việc nuôi cá lồng bè và nhà hàng trên vịnh, thứ nữa là chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp về quy hoạch, về mặt quản lý nhà nước để bảo vệ tính đa dạng sinh học của quần đảo Cát Bà”.
Trên thực tế quần đảo Cát Bà có mật độ dân cư sinh sống, làm việc, khai thác thủy sản, và điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và đa dạng sinh học, cần phải có một giải pháp nhằm thu hút tham gia của cả cộng đồng chung tay bảo vệ gìn giữ di sản và đa dạng sinh học của đảo Cát Bà. Về vấn đề này, ông Dương Anh Điền cũng cho biết một cách cụ thể hơn: “Chúng tôi đang có một kế hoạch cụ thể, thứ nhất là sẽ phải rà soát lại, chúng tôi sẽ phải chuyển nghề cho bà con để từ chỗ là sinh kế của họ kiếm sống dựa trên sự hủy hoại về môi trường thì từ nay chúng ta sẽ đào tạo họ, huấn luyện họ để họ phục phụ cho sự phát triển dịch vụ ở trên đảo nhưng đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, thứ hai nữa là chính quyền phải đề ra những quy định hết sức cụ thể để làm căn cứ cho công tác quản lý nhà nước, thứ ba nữa là phải mở ra nhiều ngành nghề nữa, hướng họ vào phát triển những dịch vụ đặc biệt, những dịch vụ cao cấp hơn”.
Cho dù sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng đến đâu, nhưng nếu thiếu sự đồng thuận và nâng cao ý thức, trách nhiệm hơn nữa trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường sinh thái của người dân, của mỗi du khách thì đảo Cát Bà khó có thể trả lại môi trường xanh, trong với vẻ đẹp vốn có của nó. Năm 2004, đảo Cát Bà đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới và đang trên lộ trình trở thành công viên địa chất toàn cầu và Di sản thiên nhiên thế giới. Trong dịp lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2014 , TP. Hải Phòng đã đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho danh lam thắng cảnh Cát Bà.
B.T