Ví, Giặm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, các hoạt động bảo tồn, phát huy di sản được tiếp tục đẩy mạnh một cách bài bản với lộ trình từ nay đến năm 2020. Mục tiêu là Ví Giặm phải sống trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Vừa trở về từ Paris (Pháp) sau khi cùng phái đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp Ủy ban liên chính phủ của UNESCO (Tổ chức Giáo dục – Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc) công nhận Ví Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, NSƯT Phạm Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nghệ An có cuộc trao đổi với Lao động về chuyện vinh danh, bảo tồn và phát huy di sản dân ca Ví Giặm.
Cảm xúc của ông và các thành viên đoàn Việt Nam trong giây phút dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh?
- Mặc dù trong quá trình chuẩn bị làm hồ sơ, các chuyên gia của UNESCO đã có những đánh giá tốt đẹp về Ví - Giặm, nhưng tại kỳ họp lần này, chúng tôi vẫn vô cùng căng thẳng, hồi hộp. Không phải hồ sơ nào trình lên cũng được chấp nhận. Ví Giặm được xem xét vào buổi họp cuối cùng. Trước đã có hai bộ hồ sơ không được chấp nhận, trong đó có một hồ sơ của Trung Quốc đã phải trải qua tranh luận đến 2 tiếng đồng hồ nhưng cũng không được thông qua.
Sau khi vị đại diện ban thẩm định của UNESCO trình bày nhận xét về Ví, Giặm, rồi video clip về Ví Giặm được trình chiếu, vị chủ tọa kỳ họp hỏi có vị nào có ý kiến gì không, mấy phút trôi qua, cả hội trường im phăng phắc. Nếu có ý kiến của đại biểu thì ta phải giải trình, trao đổi đi đến đồng thuận. Cả 5 tiêu chí của di sản, Ví Giặm đều đáp ứng một cách đầy đủ, được các thành viên trong ban thẩm định và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Tiếng gõ búa của vị chủ tọa kỳ họp vang lên, cả hội trường vỡ òa, tim chúng tôi như nẩy ra khỏi lồng ngực. Nhiều đại biểu của các nước ngồi xung quanh cùng đứng dậy chúc mừng Việt Nam. Quá xúc động và tự hào. Vinh quang này thuộc về văn hóa Việt Nam, văn hóa xứ Nghệ, thuộc về nhiều thế hệ nhân dân xứ Nghệ đã yêu mến, lưu giữ và trao truyền di sản. Dự kiến, sắp tới hai tỉnh sẽ tổ chức lễ đón nhận vinh dự này.
Sau khi được UNESCO vinh danh, nhiệm vụ bảo tồn, phát huy di sản Ví Giặm được đặt ra như thế nào?
- Một trong những nguyên tắc được xác lập trong quá trình làm hồ sơ là chúng ta phải thực hiện các cam kết để bảo tồn, phát huy di sản. Thực ra, nhiệm vụ này đã được hai tỉnh thực hiện cách đây vài chục năm, bao gồm sưu tầm, lưu giữ, sáng tạo các làn điệu mới, tổ chức các CLB ở cơ sở, tổ chức các liên hoan, hội diễn, các hoạt động nghệ thuật quần chúng, thành lập các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, sáng tạo kịch chủng kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh, đưa dân ca vào trường học, dạy hát dân ca trên sóng phát thanh truyền hình, tôn vinh nghệ nhân dân ca….
Chúng tôi đã có kế hoạch sau khi Ví, Giặm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, các hoạt động bảo tồn, phát huy di sản được tiếp tục đẩy mạnh một cách bài bản với lộ trình từ nay đến năm 2020. Mục tiêu là Ví Giặm phải sống trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Những khó khăn của việc bảo tồn, phát huy di sản dân ca Ví, Giặm trong xã hội đương đại là gì, thưa ông?
- Hiện nay lớp trẻ đã có sự thay đổi về quan niệm, thị hiếu âm nhạc, môi trường xã hội có nhiều thay đổi, thế hệ trẻ đam mê các thể loại âm nhạc hiện đại, không còn mặn mà với các loại hình nghệ thuật truyền thống, một bộ phận giới trẻ ít am hiểu về văn hóa truyền thống. Các nghệ nhân nắm vững bài bản đã thưa vắng dần; những người có thể sáng tác lời mới cho dân ca cũng không nhiều.
Đây là khó khăn đối với bảo tồn, phát triển dân ca nói chung ở các vùng miền, và Ví, Giặm cũng nằm trong tình trạng ấy. Vì vậy, cần làm tốt công tác tuyên truyền, để cho thế hệ trẻ hiểu, yêu mến, tự hào về Ví, Giặm; việc bảo tồn, phát huy di sản dân ca Ví Giặm cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cả cộng đồng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
NSƯT Phạm Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An, nguyên là Giám đốc Nhà hát Dân ca Nghệ An. Ông đã tham gia nhiều liên hoan, hội diễn với tư cách nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn và giành được nhiều giải thưởng, huy chương, trong đó có Huy chương Vàng tiếng hát chuyên nghiệp toàn quốc năm 1987. Nghệ sĩ Tiến Dũng – Hồng Lựu được mệnh danh là cặp đôi hát dân ca hay nhất xứ Nghệ. Ông là người đã đạo diễn và dạy hát dân ca trên đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An 5 năm liền và sáng tác hàng trăm ca khúc phát triển, đặt lời mới cho dân ca Ví Giặm. Con trai ông là ca sĩ Tiến Mạnh và con gái ông là ca sĩ Hương Tràm, Quán quân Giọng hát Việt năm 2012.
Nguồn: LĐ