Cộng đồng
Bản đồ du lịch trong dòng chảy văn hóa
16:33, 30 Tháng Chín 2014
Sở hữu đường bờ biển dài và đẹp nhất Việt Nam cùng gần 200 đảo đá và hàng chục đảo san hô chìm, nổi ở Trường Sa cùng nhiều đầm, vịnh rộng lớn, nước sâu, kín gió với nhiều sản vật và bãi tắm mịn êm; từ thời tiền sơ sử, không gian văn hóa của người dân Nha Trang - Khánh Hòa đã được mở dần từ rừng xuống biển.

Bàn về chiến lược phát triển du lịch, các chuyên gia nghiên cứu, những người làm quy hoạch, nhà quản lý, nhà đầu tư và du khách đều khẳng định, dù thế nào, trước mắt cũng như lâu dài, Nha Trang - Khánh Hòa cần chủ động dựa vào nguồn du lịch tự nhiên trong dòng chảy văn hóa biển, đảo.
Bản đồ du lịch
Không rõ ai là người tiên phong mở ra con đường du lịch, đưa khách phương xa đến Nha Trang - Khánh Hòa, chỉ biết rằng, hơn 100 năm trước, bác sĩ A.Yersin là vị khách quốc tế đầu tiên tình cờ ngang qua rồi ở lại đây mãi mãi. Vâng, bấy giờ, A.Yersin luôn đi đầu trong việc định vị và giới thiệu Nha Trang là “điểm tham quan, nghỉ dưỡng yên tĩnh, đầy nắng, đẹp rực rỡ bên bờ biển Việt Nam”.
Từ buổi sơ khai, du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đã gắn liền với biển, đảo và khoảng 2 thập niên gần đây, bản đồ du lịch nhanh chóng được mở rộng bởi sự xuất hiện ngày càng nhiều điểm đến. Tính từ Bắc vào Nam, bãi biển Đại Lãnh, vịnh Vân Phong là những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, quanh năm đông khách. Kế tiếp là Khu du lịch sinh suối Hoa Lan - đảo Khỉ “tọa lạc” giữa đầm Nha Phu.
Từ bến tàu Long Phú vào trung tâm Nha Trang chỉ 20 phút đi ô tô hoặc 1 giờ đồng hồ dong thuyền ngao du ngắm trời xanh, sóng biếc. Hành trình khám phá vịnh Nha Trang và các đảo phía Nam thành phố khởi hành tại cảng Cầu Đá, Phú Quý hoặc bến cáp treo Vinpearl. Trong vòng một ngày, tàu du lịch “đổ bộ” đến Hòn Một, hòn Mun, Đầm Bấy, Hòn Tằm và đảo Trí Nguyên. Ở đó, du khách tha hồ tắm biển, tắm nắng và tìm hiểu cuộc sống sông nước của cư dân làng biển. Từ Nha Trang vào Cam Ranh, “con đường xanh” nối bờ với biển, tàu cắt ngang mặt vịnh, du khách bay bổng đón gió khơi rồi bất ngờ “hạ cánh” cho mọi người thăm thú Bình Ba, Bình Hưng - hai đảo lớn như tường thành chắn sóng.
Nha Trang-Nhìn từ biển ảnh Văn Thành Châu
Từ mũi Cù Hin (đèo Cả) đến quần đảo Trường Sa - địa giới hành chính tỉnh Khánh Hòa vươn dài biển. Vẫn giữ nguyên lộ trình Bắc - Nam, du khách có rất nhiều cơ hội để khám phá 15 danh thắng, di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc của Khánh Hòa đã được xếp hạng di sản của quốc gia. Đó là danh thắng Mũi Đôi - Hòn Đầu ở xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh - địa điểm ngắm mặt trời ở cực Đông đất Việt, là bến “tàu không số” dưới chân hòn Hèo, thuộc địa phận xã Ninh Vân, huyện Ninh Hòa - di tích lịch sử chiến tranh - kết nối “đường Hồ Chí Minh trên biển”, là Tháp Bà Ponagar thấm đẫm huyền tích nữ thần của người Việt và người Chăm trước cửa biển Nha Trang. Tạo hóa ưu ái ban tặng vùng đất này 3 vịnh biển đẹp nổi tiếng mà Nha Trang là một tuyệt tác thiên nhiên chứa đựng nhiều trầm tích văn hóa. Năm 2003, vịnh Nha Trang đã được các tổ chức du lịch quốc tế tôn vinh là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới.
Bà Thanh Trúc - PGĐ Sở VHTTDL Khánh Hòa - cho biết: “Di sản còn là yếu tố quan trọng trong việc xác định quy mô, thể loại và hiệu quả hoạt động kinh doanh du lịch. Từ năm 1990 đến nay, ngành du lịch đã tham mưu, đề xuất và thẩm định các dự án đầu tư dựa trên quy hoạch chung của tỉnh Khánh Hòa và quy hoạch phát triển du lịch đến 2020. Ước tính, từ trước đến nay, gần 90% vốn đầu tư vào lĩnh vực du lịch và hơn 70% tổng số lượt du khách đến Nha Trang - Khánh Hòa luôn luôn ưu tiên lựa chọn biển, đảo. Hoạt động du lịch theo đó cũng đã góp phần quảng bá các giá trị nhân văn của di sản thiên nhiên và di sản văn hóa trên địa bàn.”
Sản phẩm du lịch
Cơ quan quản lý văn hóa tỉnh Khánh Hòa đã thống kê được 1.089 di tích và địa điểm có dấu hiệu di tích văn hóa vật thể và phi vật thể, kể từ thời tiền sơ sử - văn hóa Xóm Cồn, đến thời hiện đại - văn hóa Trường Sa. Với tầm nhìn hướng biển, từ năm 2003, tỉnh Khánh Hòa đã dựa vào nguồn di sản, để xây dựng chương trình, kịch bản Festival biển Nha Trang.
TS Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, liên tục giữ trọng trách Trưởng Ban chỉ đạo 5 kỳ Festival biển Nha Trang, cho biết: “Tổ chức Festival biển là cách làm sáng tạo, thể hiện sự đột phá trong mối quan hệ gắn kết giữa hai ngành văn hóa và du lịch. Xác định tổ chức lễ hội văn hóa du lịch đương đại nhằm mục đích tạo ra sản phẩm mới để thu hút nhiều đối tượng khách du lịch. Không gian lễ hội biển được bố trí, sắp đặt bên bờ biển. Du khách đến Nha Trang trong thời gian diễn ra Festival biển không những được tiếp cận nguồn tri thức văn hóa bản địa mà còn có cơ hội trải nghiệm nhiều cảm xúc mới lạ”.
Trong thực tế, cứ mỗi kỳ chuẩn bị tổ chức Festival biển Nha Trang, diện mạo phố phường được tôn tạo đẹp hơn, cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch được nâng cấp tốt hơn, nội dung quảng bá, giới thiệu những điểm đến được đầu tư tập trung hơn. Thông qua triển lãm khảo cổ học, phục dựng lễ hội cầu ngư, phát triển quy mô lễ hội yến sào và tổ chức nhiều cuộc thi ẩm thực, thi cờ người, đua thuyền thúng, đua xích lô, biểu diễn nghệ thuật truyền thống…, Festival biển Nha Trang không chỉ khai thác được vốn cổ và chất liệu văn hóa dân gian mà còn mở ra con đường giao lưu văn hóa giữa các địa phương có biển ở nước ta, đồng thời kết nối và mở rộng bang giao với nhiều quốc gia có biển trên thế giới.
GS.TS. Trần Ngọc Thêm nhận định: “Mọi giải pháp, định hướng cho chiến lược biển của tỉnh Khánh Hòa chỉ thành công khi xuất phát từ những nhu cầu văn hóa, bao gồm cả văn hóa vật chất lẫn tinh thần của người dân, trên cơ sở những lựa chọn mà người dân đã có, dần hướng đến đáp ứng ở mức cao nhất những giá trị văn hóa mà người dân mong mỏi”.
Nguồn: LĐ
Tin liên quan