Cộng đồng
Du lịch có trách nhiệm: Mỗi đối tượng cần có tiêu chí riêng
10:05, 01 Tháng Bảy 2014
Theo các chuyên gia du lịch, để xây dựng được bộ tiêu chí và quy trình chứng nhận du lịch có trách nhiệm thì trước hết phải xác định được đối tượng hướng tới. Và mỗi đối tượng tham gia hoạt động du lịch cần có những tiêu chí riêng về du lịch có trách nhiệm (DLCTN).

Ngày 26/6, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch và Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên thế giới (WWF) đã tổ chức Hội thảo góp ý cho đề xuất Tiêu chí và quy trình chứng nhận du lịch có trách nhiệm ở Việt Nam. Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà quản lý du lịch, doanh nghiệp lữ hành và các chuyên gia du lịch.
Khuyến khích hay bắt buộc?
Tại Việt Nam du lịch có trách nhiệm đã bắt đầu được giới thiệu và định hướng thúc đẩy phát triển từ cuối những năm 2000, hướng tới mục tiêu chiến lược của du lịch Việt Nam tới năm 2020, tầm nhìn 2030 là “Phát triển du lịch bền vững, gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường; đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội”. Theo ông Đinh Ngọc Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch), việc giới thiệu và triển khai du lịch có trách nhiệm là một quá trình, bắt đầu từ việc nghiên cứu, xây dựng nhận thức của các bên liên quan và xã hội nói chung, tới việc xây dựng và triển khai các công cụ phát triển và kinh doanh du lịch có trách nhiệm.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia du lịch
Theo TS Phạm Trương Hoàng, chuyên gia tư vấn của bản đề xuất này, Bộ tiêu chuẩn du lịch có trách nhiệm là một trong những công cụ quan trọng nhằm định hướng, xây dựng khuôn khổ và thúc đẩy phát triển du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam. Bên cạnh đó, mục tiêu hướng đến của Bộ tiêu chuẩn này là trở thành cơ sở để thực hiện việc cấp giấy Chứng nhận cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Cụ thể, Bộ tiêu chuẩn du lịch được đề xuất có 38 tiêu chí được đánh giá bởi 80 chỉ tiêu với tổng điểm tối đa là 106, phân loại thành 4 nhóm tiêu chí: Tiêu chí về quản lý bền vững; Tiêu chí về xã hội; Tiêu chí về kinh tế; Tiêu chí về môi trường.
Nhóm chuyên gia đề xuất trong thời gian đầu sẽ có 3 mức điểm đánh giá, gồm có: Không đạt chuẩn (dưới 50 điểm); Đạt chuẩn mức ban đầu (từ 50-75 điểm); và Đạt chuẩn mức đầy đủ (trên 75 điểm). Sau một thời gian nhất định, mức đạt chuẩn ban đầu sẽ không được sử dụng tiếp mà thay vào đó chỉ là Đạt hay Không đạt chuẩn.
Tuy nhiên, sau khi thảo luận, hầu hết các chuyên gia du lịch đều cho rằng, tuy các tiêu chí trong bản đề xuất khá chi tiết và đầy đủ, song chỉ phù hợp với riêng các đơn vị lữ hành chứ không thể áp dụng đối với các bên liên quan khác như: đơn vị vận chuyển, nhà hàng, cơ sở lưu trú… Do vậy, hầu hết các ý kiến đều đề xuất trước mắt chỉ nên ban hành Bộ tiêu chí dành riêng cho lữ hành, những thành phần liên quan khác cần có sự nghiên cứu và đưa ra những tiêu chí riêng về DLCTN.
Việc nên khuyến khích doanh nghiệp tham gia áp dụng Bộ tiêu chuẩn DLCTN hay sử dụng Bộ tiêu chuẩn như một công cụ bắt buộc để quản lý doanh nghiệp cũng là vấn đề khiến nhiều người băn khoăn. Ông Trương Nam Thắng, cán bộ quản lý phát triển Ngành của Dự án EU khuyến nghị rằng, cần tiến tới việc khi cấp Giấy phép hoạt động lữ hành quốc tế, phải yêu cầu doanh nghiệp có giấy chứng nhận là đơn vị đạt tiêu chuẩn du lịch có trách nhiệm của Hiệp hội Du lịch Việt Nam. “Chúng tôi đề nghị lộ trình thực hiện là hai năm, sau đó, đơn vị nào không có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn du lịch có trách nhiệm thì phải xét lại từ đầu. Tôi tin rằng, với quy định này các đơn vị lữ hành sẽ thực hiện nhanh chóng”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nếu Bộ tiêu chuẩn DLCTN là cơ chế bắt buộc đối với doanh nghiệp thì dễ gây phản ứng từ phía doanh nghiệp vì họ đã có quá nhiều chế tài quản lý. Đại diện Công ty CP Du lịch và Thương mại quốc tế góp ý: “Nếu là cơ chế bắt buộc thì cần phải có lộ trình và thời gian truyền thông để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị cho việc áp dụng đồng loạt. Nếu là cơ chế khuyến khích tự nguyện thì cũng cần làm rõ doanh nghiệp sẽ được lợi như thế nào nếu áp dụng Bộ tiêu chuẩn DLCTN và mất gì nếu không tham gia”.
Cần áp dụng thử trước khi đưa ra Bộ tiêu chuẩn
Với kinh nghiệm từng xây dựng bộ tiêu chí cấp Nhãn Bông sen Xanh cho các cơ sở lưu trú, đại diện Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch) cho rằng, trước khi cho ra được một bộ tiêu chí cần phải áp dụng thử để xem các doanh nghiệp đạt được bao nhiêu phần trăm với bộ tiêu chí đó. Sau đó, dần dần chỉnh sửa các tiêu chí và cách tính điểm sao cho phù hợp nhất với tình hình thực tế mới có thể đảm bảo tính khả thi.
“Nếu chỉ áp dụng với 5 đơn vị mà đã cho ra bộ tiêu chuẩn về DLCTN, tôi e rằng sẽ không đảm bảo tính khách quan. Khi xây dựng tiêu chí cho Nhãn Bông sen Xanh, chúng tôi phải khảo sát, áp dụng thử ở 500 đơn vị mới có thể đưa ra bộ tiêu chí tạm thời sử dụng được và sau đó hoàn thiện dần. Chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng, với bộ tiêu chuẩn này, các doanh nghiệp lữ hành đạt chuẩn là rất tốt, nhưng nếu chưa đạt thì đó cũng là tiêu chí họ soi vào chứ không thể bắt ép thực hiện ngay được” – đại diện Vụ Khách sạn chia sẻ.
Mỗi đối tượng tham gia hoạt động du lịch cần có những tiêu chí riêng về du lịch có trách nhiệm (Ảnh: Internet)
Ngoài ra, hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp khác cho Bộ tiêu chuẩn DLCTN như: cần có dấu hiệu nhận diện cho đơn vị đạt tiêu chuẩn DLCTN tương tự như Bông sen Xanh; nên có sự đánh giá của cộng đồng dân cư đối với hồ sơ cấp giấy chứng nhận DLCTN; rà soát lại một số tiêu chí để bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai áp dụng…
Đánh giá cao những ý kiến góp ý thiết thực của các chuyên gia du lịch tham dự hội thảo, ông Đinh Ngọc Đức khẳng định, để DLCTN đạt hiệu quả thì cần có sự tham gia rộng rãi của nhiều bên liên quan. Vì vậy, việc xây dựng tiêu chí, định hướng, chiến dịch, kế hoạch để nâng cao nhận thức xã hội cần phải thực hiện từng bước một cách khoa học. “Tuy nhiên, chúng ta không thể tham vọng xây dựng một bộ tiêu chí phù hợp cho tất cả các đối tượng tham gia vào hoạt động du lịch mà phải đi từng bước và khuyến khích các bên liên quan áp dụng hướng tới du lịch có trách nhiệm, từ đó phát triển du lịch bền vững” – ông Đức nói.
Ông Đức cũng cho biết, sau hội thảo này, Tổng cục Du lịch và WWF sẽ hoàn chỉnh bộ tiêu chí DLCTN chỉ dành riêng cho nhóm lữ hành và trước mắt chỉ khuyến khích các bên liên quan từng bước áp dụng./.
Theo Toquoc.vn
Tin liên quan