Cộng đồng
Gia đình Việt Nam hướng về biển Đông
20:44, 23 Tháng Sáu 2014
(DSX)- Lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam hướng về biển đảo, biên giới và chủ quyền Tổ quốc được tổ chức nhằm góp phần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện tiếng nói của cộng đồng các dân tộc Việt Nam về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6.
Ngày 28/6 được chọn là ngày Gia đình Việt Nam, ngày tôn vinh mái ấm gia đình, mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những người không có bố mẹ, cặp vợ chồng phải hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc. Nhân dịp này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam hướng về biển đảo, biên giới và chủ quyền Tổ quốc tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), chương trình sẽ diễn ra trong hai ngày 28-29/6/2014.
Lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam hướng về biển đảo, biên giới và chủ quyền Tổ quốc được tổ chức nhằm góp phần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện tiếng nói của cộng đồng các dân tộc Việt Nam về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nhân Ngày Gia đình Việt Nam.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa (Ảnh nguồn: Internet)
Chương trình nghệ thuật “Đại gia đình các dân tộc Việt Nam với chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc” sẽ diễn ra vào tối ngày 28/6 là điểm nhấn của lễ hội với mục đích nhằm củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện tiếng nói của cộng đồng các dân tộc Việt Nam về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Lễ hội đồng thời góp phần tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Song song với chương trình là một số lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam sẽ được tái hiện trong dịp này như: Lễ hội cúng thần biển (lễ cúng Po Riyak) của ngư dân Ninh Thuận, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa của ngư dân Quảng Ngãi và Lễ hội cầu ngư của ngư dân Đà Nẵng. Ngoài ra còn có nhiều hoạt động hướng về biển đảo, biên giới Tổ quốc cũng sẽ được tổ chức: Triển lãm tư liệu, hiện vật, hình ảnh về chủ quyền biển đảo của Việt Nam; chiếu phim tư liệu về chủ quyền biển đảo Việt Nam; chương trình giao lưu, lấy chữ ký của đại diện các dân tộc Việt Nam, lực lượng thanh niên và du khách vào bốn tấm bản đồ Việt Nam...
Hòa vào không khí lễ hội là sự tham gia của hơn 200 người đến từ 32 dân tộc thuộc 8 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng, miền trong cả nước và lực lượng học sinh, sinh viên các dân tộc đang học tập tại một số trường ở Hà Nội và Tây Nguyên về tụ hội tại “ngôi nhà chung”. Ngoài ra, còn có trên 500 sĩ quan, chiến sĩ đến từ các đơn vị bộ đội và Đoàn viên Thanh niên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng sẽ tham gia sự kiện này.
H.L (tổng hợp)
Tin liên quan