Cộng đồng

Bộ Giáo dục và Đào tạo với công tác giáo dục môi trường và biển đảo

15:38, 16 Tháng Sáu 2014

(DSX)-Chúng ta đang sống ở một thế giới mà vấn đề môi trường đang đứng trước những thách thức to lớn do chính các hoạt động do con người gây ra. Ở nước ta , giáo dục môi trường mới được quan tâm đến những năm gần đây. Qua thực tiễn hoạt động này đã chứng tỏ được tầm quan trọng cũng như tính hiệu...

Ảnh minh họa - Nguồn: internet
"Giáo dục môi trường là một quá trình thông qua các hoạt động giáo dục chính quy và không chính quy nhằm giúp con người có được sự hiểu biết, kỹ năng và giá trị tạo điều kiện cho họ tham gia vào phát triển một xã hội bền vững về sinh thái".

Mục đích của Giáo dục môi trường nhằm vận dụng những kiến thức và kỹ năng vào gìn giữ, bảo tồn, sử dụng môi trường theo cách thức bền vững cho cả thế hệ hiện tại và tương lai. Nó cũng bao hàm cả việc học tập cách sử dụng những công nghệ mới nhằm tăng sản lượng và tránh những thảm hoạ môi trường, xoá nghèo đói, tận dụng các cơ hội và đưa ra những quyết định khôn khéo trong sử dụng tài nguyên. Hơn nữa, nó bao hàm cả việc đạt được những kỹ năng, có những động lực và cam kết hành động, dù với tư cách cá nhân hay tập thể, để giải quyết những vấn đề môi trường hiện tại và phòng ngừa những vấn đề mới nảy sinh.


Ảnh minh họa - Nguồn: internet

Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm nay được Chương trình Môi trường Liên hợp Quốc (UNEP) chọn là “Hãy hành động để ngăn nước biển dâng” nhằm nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu đối với các khu vực dễ bị tổn thương như hải đảo và các khu vực ven biển.

Năm nay, chủ đề của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường lựa chọn là “Chung tay bảo vệ Đại dương xanh” và chủ đề của Ngày đại dương thế giới do Mạng lưới đại dương toàn cầu phát động là “Cùng chung tay – Chúng ta có sức mạng bảo vệ Đại dương” với ý nghĩa: Mỗi người góp một phần công sức nhỏ - Chúng ta sẽ có sức mạnh to lớn để bảo vệ Đại dương.

Năm 2014, để hưởng ứng sự kiện quan trọng trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức, tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ mít tinh và các hoạt động hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới và Ngày Đại dương thế giới tại Trường Đại học Hồng Đức, tỉnh Thanh Hóa. Sau Lễ mít tinh đã diễn ra hoạt động trồng cây xanh, làm sạch bãi biển Sầm Sơn thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Trong những ngày tháng 6 này, cả nước tích cực với nhiều hoạt động vì môi trường và hướng về biển đảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những chỉ đạo kịp thời tới các sở giáo dục và đào tạo, các trường đại học và cao đẳng cũng như các đơn vị cơ quan thuộc Bộ triển khai thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa như:

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên và bảo vệ môt trường, đặc biệt là quán triệt, phổ biến, triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành trung ương khóa XII về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đến cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên.
- Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về biển, hải đảo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên, các em học sinh, sinh viên trong toàn ngành về vị trí chiến lược cũng như tầm quan trọng của biển, hải đảo, về công tác quản lý nhà nước và thống nhất về biển, hải đảo hiện nay.
- Phổ biến, nhân rộng các mô hình điển hình về phát triển kinh tế biển đảo, những kinh nghiệm ứng phó biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, khuyến khích sử dụng công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng các nguồn nhiên liệu phát sinh nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tạo công luận lên án những hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường.
- Các báo, tạp chí của ngành giáo dục tăng thời lượng phản ánh về môi trường, xây dựng chuyên trang, chương trình cổ động, bài viết, phóng sự chuyên sâu về chủ đề môi trường và biển, hải đảo Việt Nam để tuyên truyền đến đông đảo các em học sinh, sinh viên và cộng đồng dân cư.
- Tổ chức các cuộc thi, triển lãm, giao lưu văn nghệ, hội thảo khoa học về chủ đề ứng phó với biến đổi khí hậu, tổ chức ngày hội tái chế, ngày hội sống xanh, ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải, giải quyết những vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng trên địa bàn cơ quan, trường học và cộng đồng dân cư, tổ chức các chiến dịch trồng cây xanh, trồng rừng ngập mặn ứng phó biến đổi khí hậu…điều hành, cổ động bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông, treo băng rôn, pa nô, áp phích, khẩu hiệu về chủ đề môi trường, về biển hải đảo Việt Nam và ứng phó biến đổi khí hậu tại các nơi công cộng, các tuyến đường chính, tại trụ sở cơ quan, nơi đông người qua lại.
- Biểu dương, khen thưởng để động viên kịp thời những cá nhân, tập thể có nhiều thành tích trong bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên biển, hải đảo của Việt Nam.

Chúng ta nên tiếp tục duy trì phát huy những điểm mạnh, bổ khuyết những điều còn hạn chế để làm tốt công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao nhận thức môi trường. Có thể coi giai đoạn bước tiếp là chuyển biến từ nhận thức thành hành động bảo vệ môi trường, vì vậy cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, ban/ngành, đoàn thể xã hội, trong đó các cơ quan quản lý môi trường ở cấp trung ương và địa phương.

B.Thủy

Tin liên quan