Cảnh báo
“Chảy máu” rừng vườn Quốc gia Yok Đôn
00:11, 10 Tháng Mười Một 2012
(DSX) – Vườn Quốc gia Yok Đôn, rừng đang kêu cứu…
Gỗ rừng bị xẻ thịt. Nguồn: thiennhien
Vườn quốc gia Yok Đôn là một trong những khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất nước với tổng diện tích 115.545ha và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Trong đó, rừng nguyên sinh chiếm tới hơn 90% tổng diện tích. Ẩn trong cánh rừng là những loại cây gỗ quý như Giáng hương, cà te, cầm lai, trắc, gỗ đỏ, sao lá tím… Đây còn là nơi sinh sông lý tưởng cho nhiều loài động vật quý hiểm của Việt Nam và thế giới với số lượng lớn như voi, trâu rừng, bò sừng xoắn, hươu sao, sơn dương, gà lôi, công, sáo, phượng hoàng… Cùng với nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên như: Ê đê, M’Nông, Lào… sinh sống tại vùng đệm, vườn quốc gia Yok Đôn đã trở thành địa điểm du lịch sinh thái, thám hiểm, nghiên cứu nổi tiếng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hiện nay, vườn quốc gia đang bị lâm tặc lộng hành, nhiều cây gỗ quý, nhiều động vật rừng đang đứng trước những nguy cơ suy giảm nghiêm trọng. Rừng đang “chảy máu”
Rừng đang “chảy máu”
Hàng trăm, hàng nghìn mét khối gỗ, những lâm sản quý hiếm thi nhau chạy ra khỏi rừng bất chấp sự quản lý của Vườn Quốc gia đang phá hủy nghiêm trọng hệ sinh thái rừng nguyên sinh. Tính trong 3 tháng đầu năm 2011 lực lượng kiểm lâm đã thu giữ được hơn 500m3 gỗ quý, trong khi số lượng gỗ quý được chuyển ra ngoài rừng còn gấp hàng chục lần. Những cánh rừng thuộc các tiểu khu 419, 420, 484, 477, 456 trên địa bàn huyện Ea Suop, Cư Jut và tuyến biên giới tiếp giáp với Campuchia đã bị khai thác trắng. Tính riêng trong đầu tháng 8/2012 Vườn Quốc gia Yok Đôn đã có khoảng 174 cây gỗ quý bị chặt hạ. Sự việc tại vườn Quốc gia Yok Đon sẽ rơi vào lãng quên dần nếu các phóng viên không tiếp cận tiểu khu 477 và 484 để tận mắt chứng kiến những cây gỗ quý, thậm chí ngay trên đường tuần tra của lực lượng kiểm lâm đã bị đốn hạ đang chuẩn bị được chuyển đi. Ngày 23/8, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm Đỗ Trọng Kim đã tới Vườn Quốc gia để kiểm tra và kết luận tình trạng phá rừng tại đây đã ở mức báo động.
 |
Tình trạng phá rừng báo động tại VQG Yok Đôn |
Không dừng lại ở việc phá rừng lấy gỗ, ngày 26/8 các đối tượng lâm tặc còn ra tay sát hại một cặp voi rừng tại tiểu khu 257 để lấy ngà. Sự kiện này đã đẩy căng thẳng ở Vườn Quốc gia Yok lên đến đỉnh điểm
Tuy nhiên, sự việc trên chỉ như giọt nước làm tràn ly. Đàn voi quý của Đắc Lăk không chỉ bị vắt kiệt sức để phục vụ du lịch và lễ hội mà tình trạng săn bắt voi lấy ngà đang đẩy chúng tới bên bờ của sự tuyệt chủng. Nếu năm 1980, đàn voi nhà của Đắk Lắk là 502 cá thể, thì tới năm 1988 số lượng này chỉ còn 166 con, tới 8/2012 đàn voi chỉ còn hơn 30 con. Như vậy, trong 30 năm, hơn 400 con voi quý đã biến mất. Với tỷ lệ sinh sản thấp, chỉ chưa đầy 0.7% cùng sự bế tắc của cơ quan quản lý và sự thiếu quan tâm cộng đồng địa phương, liệu rằng 10 năm, 20 năm nữa đàn voi Đắk Lắk có còn?
Khi PGĐ và lâm tặc bắt tay nhau
Lãnh đạo Vườn Quốc Gia Yok Đôn thừa nhận tình trạng phá rừng ở Vườn Quốc gia Yok Đôn là có thật và hết sức nghiêm trọng. Với biên chế 225 người, trong đó có 187 cán bộ kiểm lâm trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, hệ thống trạm bảo vệ rừng, đường tuần tra, phương tiện bảo vệ rừng được trang bị đầy đủ, thế nhưng tình trạng phá rừng vẫn xảy ra ngay trước mắt kiểm lâm. Nguyên nhân là do việc quản lý đã bị buông lỏng, cán bộ kiểm lâm lại tiếp tay cho lâm tặc phá rừng. Như trong vụ phá rừng tại tiểu khu 477 và 484, ngoài 4 đối tượng con em cán bộ địa phương trực tiếp thực hiện, lãnh đạo Vườn Quốc gia Yok Đôn còn xác định kiểm lâm Hồ Văn Huy (con trai ông Hồ Văn Cầu, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn) tham gia đốn hạ nhiều cây gỗ quý trong lâm phần được giao.
 |
Đàn voi Đắk Lắc bên bờ vực diệt von |
Mới đây, báo cáo số 912/BC-VYD của Vườn quốc gia Yok Đôn “về tình hình thực hiện nhiệm vụ và công tác quản lý cán bộ”, ngày 3.11.2012, gửi Tổng cục Lâm nghiệp đã đề cập đến việc “các phó giám đốc do năng lực lãnh đạo, điều hành còn nhiều giới hạn, tính cách nặng về quyền lợi cá nhân, chưa tích cực tham gia công tác quản lý điều hành, tham mưu đề xuất các giải pháp để ổn định và phát triển đơn vị, kết quả làm việc kém hiệu quả, quan hệ với lâm tặc khá nhiều… nên trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo điều hành không kiên quyết, thậm chí bao che người sai trái, trù dập người tích cực”. Cũng theo phân tích trên, báo cáo nêu rõ “cần chấn chỉnh mạnh, nếu không chuyển biến nên thay đổi 1 hoặc 2 phó giám đốc Vườn”.
Việc cơ quan chức năng điều tra và có biện pháp xử lý thích đáng hành động phá rừng tại Vườn Quốc gia Yok Đôn, trong đó có cả các Phó Giám đốc gia đã phần nào lấy lại lòng tin của người dân trong công tác gìn giữ và bảo vệ rừng, lá phổi xanh của đất nước. Tuy nhiên, cùng với việc trừng trị thích đáng những kẻ phá hoại tài nguyên của đất nước, nên chăng, các cơ quan quản lý cần có những giải pháp thúc đẩy bảo vệ rừng, khai thác tài nguyên rừng bền vững thông qua các hoạt động phát triển du lịch có trách nhiệm đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương từ đó tuyên truyền giáo dục để người dân tự giác bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn sống cho con em họ. Đó mới chính là phương pháp hữu hiệu để rừng mãi xanh tươi.
HH
Tin liên quan