Cảnh báo

Lại báo động nạn xâm hại rừng ở khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô

21:35, 09 Tháng Mười Một 2012

Không chỉ có tình trạng khai thác cây “đổi màu” như Lao Động vừa phản ánh, rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô đang đối mặt với nạn tàn sát muông thú, khai thác gỗ quý, lấn chiếm đất rừng...

Đoàn lâm tặc từ Krông Pa (Gia Lai) bị kiểm lâm Ea Sô bắt giữ.

Chặt cây, bắt thú...
Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô có diện tích gần 27.000ha nằm trên địa bàn huyện Ea Kar (Đắc Lắc), giáp với các huyện Krông Năng (Đắc Lắc), Sông Hinh (Phú Yên), Krông Pa (Gia Lai). Hệ sinh thái tiếp giữa Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ này đang lưu giữ 709 loài thực vật thuộc 139 họ, trong đó 14 loài có tên trong sách Đỏ Việt Nam.
Ea Sô còn là sinh cảnh lý tưởng của các loài thú lớn đang bị đe dọa tuyệt chủng như bò tót (Bos gaurus), bò rừng (Bos javanicus), rái cá lông mượt (Lutra perspicillata).
Ngoài ra, trong những đợt điều tra gần đây, các nhà khoa học trên thế giới còn phát hiện sự có mặt của chim công và bồ câu nâu - hai loài chim đang bị đe dọa trên phạm vi toàn cầu. Nhưng theo Ban quản lý dự án (BQLDA) Khu BTTN Ea Sô thì “kho báu” đa dạng sinh học này đang bị tấn công dữ dội, đặc biệt là từ tháng 9.2011.
Chỉ tính từ đầu năm 2012 đến nay, Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô đã phát hiện và xử lý 124 vụ vi phạm, với 168 đối tượng, trong đó 11 vụ khai thác gỗ quý hiếm. Kiểm lâm đã tháo dỡ, tiêu hủy 650 bẫy thú các loại, tịch thu 80 xe máy độ chế và nhiều súng đạn, cưa máy...
Đáng chú ý, một số đối tượng còn ngang nhiên xâm chiếm rừng đặc dụng để canh tác tại tiểu khu 632 - giáp với xã Ea Sô, huyện Ea Kar. Nếu đối chiếu với quy chế quản lý rừng đặc dụng, những con số trên rất đáng báo động. Bởi theo quy định, bất cứ người nào không phận sự mà có mặt trong rừng đặc dụng đều bị coi là bất hợp pháp.
“Kho báu” ở... giữa trời
Ông Lê Đắc Ý - Giám đốc BQLDA Khu BTTN Ea Sô - thừa nhận: “Lâm tặc đang tấn công vào rừng từ nhiều phía, do rừng ở các khu vực tiếp giáp Ea Sô đã bị cạo trọc”.
Cụ thể, rừng phía Sông Hinh (Phú Yên) đã trồng caosu, phía Krông Pa (Gia Lai) thì Cty MDF đang khai hoang.
Còn tại Đắc Lắc, rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng đã tơi tả do quản lý yếu kém trong nhiều năm. Lâm tặc băng qua khu rừng phòng hộ này để vào Ea Sô một cách dễ dàng.
Mặt khác, QL29 từ Phú Yên băng qua khu bảo tồn, qua huyện Krông Năng đến TX.Buôn Hồ (giao QL14), một nhánh tỉnh lộ ra huyện Ea Kar (gặp QL26) nên càng nguy cho rừng Ea Sô.
Ông Lê Đắc Ý cho biết, trước tình trạng xâm hại rừng ngày càng nghiêm trọng, BQLDA Khu BTTN Ea Sô đã kiến nghị cấp trên cấp súng quân dụng, chó nghiệp vụ cho lực lượng kiểm lâm...
Hiện Khu BTTN Ea Sô đã ký quy chế phối hợp với hạt kiểm lâm các huyện giáp ranh, nhưng nếu có sự phối hợp ở cấp cao hơn, liên tỉnh thì hiệu quả bảo vệ rừng Ea Sô sẽ lớn hơn nhiều. Tuy vậy, “kho báu” Ea Sô đang trơ trọi giữa trời, giữa những khu rừng xung quanh đã bị cạo trọc nên cần có những giải pháp bảo vệ căn cơ, lâu dài hơn.

Nguồn LĐ

Tin liên quan