Cảnh báo
Lăng phó vương nay còn đâu?
05:59, 05 Tháng Mười Một 2012
(DSX) – Là công trình kiến trúc bằng đá lớn thứ hai ở Việt Nam, sau thành nhà Hồ, nhưng khu lăng mộ Hoàng Cao Khải lâu nay đã và đang bị lấn chiếm, phá hủy nghiêm trọng
Hàng lính canh xe. Ảnh: Việt Ngữ
(DSX) – Là công trình kiến trúc bằng đá lớn thứ hai ở Việt Nam, sau thành nhà Hồ, nhưng khu lăng mộ Hoàng Cao Khải lâu nay đã và đang bị lấn chiếm, phá hủy nghiêm trọng
Cùng là những công trình kiến trúc bằng đá vang bóng một thời
Khu lăng mộ Hoàng Cao Khải là quần thể các công trình kiến trúc lăng tẩm, dinh thự được xây dựng bởi Tổng đốc Hoàng Cao Khải năm 1893 dưới thời vua Thành Thái. Toàn bộ lăng được xây theo kiểu chữ Đinh, làm hoàn toàn bằng đá cẩm thạch trắng. Đá xây dựng được chở từ phủ Quốc Oai (Hà Tây cũ). Dưới bàn tay điêu luyện của các thợ chế tác, các cột, trụ, xà, bẩy, cửa võng, diềm, tường, nền đều được trạm trổ chau chuốt, tinh vi. Phía trước mộ là hai hàng lính chầu bằng đá, mỗi bên 4 người bồng gươm, cao gần bằng người thật, tầm 1,3m, đầu đội mũ nhỏ có tua đứng gác. Với những giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, khu lăng mộ đã được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1962 như là “chứng tích duy nhất của nước ta về một quần thể các công trình lăng tẩm, dinh thự của một phó vương”. Theo GS sử học Trần Lâm Biền “Ở một góc độ nào đó có thể coi quần thể di tích lăng mộ Hoàng Cao Khải là đỉnh cao của kiến trúc thời Nguyễn".

|
Quang cảnh khu lăng mộ Hoàng Cao Khải theo tài liệu của nhà nghiên cứu người Pháp Phillippe Papin. Nguồn: internet
|
 |
Lăng Hoàng Cao Khai xưa. Nguồn: internet |
Là một trong những công trình kiến trúc bằng đá lớn thứ hai ở Việt Nam (sau thành nhà Hồ), nhưng Lăng Hoàng Cao Khải đã và đang bị lấn chiếm và hủy hoại nghiêm trọng. Nhiều người không khỏi sót xa cho hiện trạng một công trình kiến trúc bằng đá nguy nga một thời, nơi để an dưỡng lúc về hưu và là lăng mộ cho gia đình Tổng đốc Hoàng Cao Khải hiện nay. Dù được xếp hạng là di tích quốc gia từ khá sớm, nhưng khu lăng mộ nhận được rất ít sự quan tâm của các cơ quan quản lý và còn bị những người dân sống quanh khu vực lấn chiếm làm nhà ở. Rơi vào lãng quên, di tích vang bóng một thời nay chỉ còn là phế tích?
Di tích hay phế tích?
Ngày nay, ghé thăm khu lăng mộ Hoàng Cao Khải, du khách sẽ khó lòng tìm được đường vào thắp nhang cho ngài tổng đốc và phu nhân. Bởi, có lẽ do thiếu địa điểm, lăng Hoàng Cao Khải nay đã biến thành trụ sở tuần tra cụm dân cư số 9 của Công an phường Trung Liệt, mà nếu không đặt tổ tuần tra an ninh ở đây thì có lẽ cái lăng cũng chẳng còn. Hai hàng lính chầu bằng đá uy nghiêm xưa kia nay đã mất hết chân do người ta tôn nền xi măng tới tận bụng, chưa kể những chi tiết trên mặt tượng, tai tượng, cánh tay đã bị hư hại nhiều. Những ông lính xưa kia canh lăng cho ngài Tổng đốc thì giờ đây canh xe máy cho người dân trong khu vực. Đôi rồng đá cũng bị biến thành chỗ để đồ. Mà đấy còn là những công trình có số phận rất may mắn trong khu lăng mộ.
Những công trình thiếu may mắn hơn như lối đi gồm 133 bậc thang thì đã bị tận dụng thành nhà dân và kho chưa đồ; Hồ Tẩm Nguyệt nay đã cạn trơ đáy, mà gọi là hồ xem ra không còn chính xác nữa; khu đặt mộ đá của Hoàng Trọng Phu thì bị 3,4 gia đình lấn chiếm thành nhà ở... Khác với không khí uy nghiêm tại các khu lăng mộ, hàng ngày, phía trước lăng bị trưng dụng thành chỗ họp chợ với đủ thứ âm thanh hỗn tạp.
Được biết năm 2010, TP Hà Nội cùng với quận Đống Đa đã có phương án di rời các hộ gia đình đang sinh sống trong lăng Hoàng Trọng Phu tới nơi tái định cư mới nhưng tới nay vẫn chưa có động thái tích cực và cũng không ít lần phường Trung Liệt ra quân dỡ bỏ lấn chiếm nhưng sau một thời gian đâu lại vào đó. Thiết nghĩ, nếu tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn, chúng ta sẽ mất đi một di tích kiến trúc quý giá vào bậc nhất của Hà Thành và cả nước./.
HH
Tin liên quan