Thế giới

Ấn Độ kết nối các sông để chống hạn

21:35, 02 Tháng Tư 2012

Một dự án kết nối hơn 30 con sông và chuyển hướng dòng chảy tới các khu vực khô cằn của Ấn Độ với mục tiêu chống hạn đang gây lo ngại cho các quốc gia láng giềng.

Dự án chuyển dòng chảy của Ấn Độ đang gây lo ngại cho các quốc gia láng giềng - Ảnh: article.wn.com

Theo BBC, dự án trị giá nhiều tỉ USD này được Chính phủ Ấn Độ thông báo vào năm 2002, tuy nhiên đến nay vẫn còn nằm trên giấy.

Mới đây, một tòa án tối cao của Ấn Độ tuyên bố việc trì hoãn đã làm tăng chi phí, và bổ nhiệm một ủy ban chịu trách nhiệm lên kế hoạch và thực thi dự án trong khoảng thời gian giới hạn.

Mục tiêu chính của dự án là đưa nước từ những khu vực ngập và chuyển hướng đến những vùng ít nước để phục vụ tưới tiêu, phát điện và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Tuy nhiên các nước láng giềng đã chỉ trích dự án này. Phía Bangladesh nói họ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất do nằm ở hạ nguồn hai con sông lớn chảy từ Ấn Độ: sông Hằng và sông Bramhaputra.

“Chúng tôi không chấp nhận dự án này - Ramesh Chandra Sen, bộ trưởng tài nguyên nước Bangladesh nói với BBC - Nền kinh tế, nông nghiệp và đời sống của người dân phụ thuộc vào những con sông này, và chúng tôi không thể tưởng tượng sẽ bị ảnh hưởng thế nào nếu nước sông bị chuyển hướng”.

Tại Nepal, các chuyên gia lo ngại với vị trí thượng nguồn các con sông, nước này sẽ bị dùng làm nơi xây dựng các con đập và hồ chứa phục vụ cho dự án của Ấn Độ. 

Bhutan cũng có vị trí tương tự Nepal, và một số sông ở nước này là phụ lưu của sông Bramhaputra, một trong hai con sông chính nằm trong dự án kết nối của Ấn Độ. 

Đông Nam Á được xem là một điểm nóng về nguồn tài nguyên nước trong tương lai. Một đánh giá gần đây của các cơ quan tình báo Mỹ cho rằng nơi này sẽ trở thành một trong những khu vực mà “nước sẽ được sử dụng như một vũ khí chiến tranh hoặc một công cụ khủng bố”.

Theo BBC

Tin liên quan